Ngư dân hạn chế ra khơi vì sợ lỗ

0:00 / 0:00
0:00
Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Lạch Hới Thanh Hóa. Ảnh chụp chiều 27/10 Ảnh: Hoàng Lam
Tàu cá neo đậu tại Cảng cá Lạch Hới Thanh Hóa. Ảnh chụp chiều 27/10 Ảnh: Hoàng Lam
TP - Giá xăng dầu tăng cao khiến ngư dân Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa gặp khó khăn. Trên các cảng cá, tàu thuyền neo đậu chật kín, ngư dân không dám ra khơi vì sợ lỗ.

Trở về từ vùng biển Vịnh Bắc bộ sau gần 1 tuần ra khơi với vài tạ cá thu nhưng ông Nguyễn Văn Lâm (trú huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại chẳng thể vui nổi do giá nhiên liệu tăng liên tục trong 1 tháng qua. Người đàn ông này nhẩm tính, chiếc tàu của gia đình ra khơi 7-10 ngày mới vào bờ. Chuyến đánh bắt vừa rồi được hơn 2 tạ cá thu, bán được trên 60 triệu đồng. “Mỗi chuyến đánh bắt xa bờ khoảng 10 ngày, tàu của tôi tiêu tốn chừng 25-30 triệu đồng tiền dầu, vẫn từng ấy hải trình, giờ tăng thêm 5-8 triệu đồng”, ông Lâm chia sẻ.

Xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Hà Tĩnh. Thời gian gần đây, vì giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu đánh bắt xa bờ buộc phải rút ngắn hải trình đánh bắt để tiết kiệm chi phí xăng dầu. Người dân phân tích, khi chi phí nhiên liệu tăng cao, với những con tàu càng lớn, đi càng xa thì tỷ lệ thua lỗ lại càng cao. Anh Nguyễn Trọng Lý (trú huyện Lộc Hà) cho hay, mỗi chuyến đi biển, tiền xăng dầu chiếm 50 - 60% tổng chi phí nên có chuyến bị lỗ, không đủ tiền trả cho lao động.

Vùng Bãi Ngang (Nghệ An) là nơi có số lượng tàu thuyền ra khơi nhiều. Những cảng cá như Lạch Quèn, Lạch Vạn, Cửa Hội... luôn tấp nập tàu thuyền ra vào, song những ngày qua, không khí này trở nên vắng lặng hơn. Ông Nguyễn Ngọc Định (trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Mấy hôm nay tôi chưa có ý định ra khơi, bởi đi xa lúc này là lỗ. Xăng dầu đắt đỏ quá. Trong vài ngày tới, nếu đi biển lỗ thì tôi buộc phải nghỉ, khi nào giá xăng dầu bình ổn lại mới đi tiếp”, ông Định nói.

Neo đậu sát cạnh tàu ông Định là tàu của gia đình ông Nguyễn Văn Nam cũng im lìm trong cảng gần 10 ngày qua. “Chúng tôi mong giá xăng dầu chỉ ở mức hợp lý, bình ổn chứ tăng vùn vụt như thế thì ngư dân vỡ nợ mất”, ông Nam buồn bã cho biết.

Anh Phạm Văn Nam, chủ tàu cá TH 91871 ở phường Quảng Tiến, Sầm Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của dịch, du lịch ngưng hoạt động thời gian dài, lưu thông thị trường ngoài tỉnh gặp khó, do đó giá hải sản giảm, tăng chi phí bảo quản… khiến các chủ tàu lao đao. Nay giá xăng dầu tiếp tục tăng, khiến tôi và nhiều chủ tàu khác có phương án cho tàu nằm bờ, chờ đợi.

Tàu TH 91871 của gia đình anh Phạm Văn Nam có công suất gần 2.000 CV. Mỗi chuyến đi biển kéo dài 7-10 ngày. Dù khai thác được nhiều hay ít hải sản thì đều mất 180-200 triệu đồng tiền dầu. Ngoài ra còn tiền thực phẩm, tiền bảo quản đông lạnh, tiền công lao động… Trong khi đó, hải sản khai thác được tiêu thụ khó khăn, giá thành thấp khiến những chuyến ra khơi gần đây luôn bị lỗ hàng chục triệu đồng.

Theo đó, lao động làm việc trên tàu cá buộc phải tìm việc khác để có thu nhập. Trong khi, các chủ tàu tiếp tục phải chi trả những khoản vay ngân hàng để đầu tư đóng tàu. Theo anh Nam thì có khoảng 50% số tàu có công suất lớn trên địa bàn TP Sầm Sơn có phương án nằm bờ do những khó khăn trên.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn) cho biết: Cảng cá hiện có 236 tàu neo đậu. Theo phản ánh của nhiều chủ tàu thì do tình hình khó khăn, không đủ chi phí cho việc khai thác hải sản nên nhiều tàu cá đang nằm chờ ở cảng và các âu thuyền.

Cần có chính sách hỗ trợ ngư dân

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban phát triển thủy sản bền vững Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, trong cơ cấu chi phí hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân, giá xăng dầu chiếm gần một nửa. Việc giá xăng dầu tăng chóng mặt đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt của ngư dân, giờ họ cứ ra khơi là lỗ nên rất cần sớm có chính sách hỗ trợ.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, so với các hoạt động khác, việc đánh bắt cá của ngư dân còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền an ninh biển đảo. “Trước đây, Chính phủ có Nghị quyết 48 hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, trong đó có hỗ trợ dầu theo chuyến. Trong bối cảnh giá xăng tăng và dịch bệnh khó khăn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ ngư dân, nhằm đảm bảo hoạt động bám biển diễn ra ổn định”, ông Thắng kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.