Đánh bạc với tiêu
Khoảng 3 năm trước, giá tiêu luôn ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, có thời điểm cán mốc 250.000 đồng/kg khiến nông dân tỉnh Gia Lai ồ ạt mở rộng diện tích. Giờ đây, giá tiêu quay đầu giảm mạnh thì nhà chức trách mới giật mình phát hiện diện tích quy hoạch hồ tiêu đã bị phá vỡ nặng nề.
Theo quy hoạch, diện tích hồ tiêu của tỉnh Gia Lai đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định chừng đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã lên đến 16.000 ha. Xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) vốn là một trong những vựa cà phê lớn nhất nhì của tỉnh Gia Lai. Hơn 5 năm trước, dù nhiều vườn cây vẫn còn đang độ sung sức song trước “cám dỗ” của giá tiêu, rất nhiều nông dân đã “nhắm mắt” chặt phá loại cây đã một thời giúp họ cơm no áo ấm.
Anh Huỳnh Xuân Vinh (thôn 1, xã Nam Yang) có hơn 4 ha trồng cà phê nhưng nay đã thay thế bằng 5.000 trụ tiêu. Anh kể, thấy tiêu được giá nên bỏ cà phê sang trồng tiêu. Đến nay chỉ có một nửa cho thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng đã có hàng ngàn trụ bị bệnh chết. “Năm vừa rồi gặp hạn hán, dịch bệnh, tiêu chết, chỉ thu được 3 tấn, bán được giá nên cũng có lãi, nhưng do tôi lỡ mở rộng diện tích nên giờ rất lo lắng”, anh Vinh cho biết.
Tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê, ông Đào Tiến Tình sở hữu 25 ha tiêu, căn biệt thự to với đầy đủ tiện nghi, ô tô tiền tỷ cũng từ vườn tiêu này mà ra. Tuy nhiên, năm nay, hơn 3.000 trụ tiêu nhà ông bị bệnh chết, giá cả giảm mạnh khiến ông mất ăn mất ngủ. Ông nói, trong 25 ha thì có đến 15 ha mới trồng. Năm ngoái, tiêu bị giảm năng suất do hạn hán, nay lại mất giá nên nguồn thu giảm hẳn. Dù vậy, ông Tình vẫn quyết bám trụ với cây tiêu như chơi một canh bạc may rủi.
Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai, tiêu chết là do người dân thâm canh không đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón, chất kích thích quá liều lượng … khiến cây mất cân bằng dinh dưỡng, mất khả năng đề kháng tự nhiên dẫn đến dễ bị nấm bệnh tấn công. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn giống trôi nổi, không được chọn lọc cũng là một tác nhân chính.
Người trồng tiêu “ngồi trên đống lửa”
Nhìn sang Đắk Lắk, tình hình cũng không khá hơn là bao. Đến huyện Cư Kuin – nơi mệnh danh là “vương quốc hồ tiêu” của tỉnh hỏi chuyện về tiêu, nhiều người như “ngồi trên đống lửa”, nhất là những hộ mới trồng.
Gia đình anh Phạm Tiến Sỹ (ở 15, xã Ea Tul) có 500 trụ tiêu, trong đó chỉ có 100 trụ bắt đầu cho thu hoạch. Để có tiền đầu tư, anh phải vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, chấp nhận mức lãi suất cao với hy vọng cây tiêu sẽ giúp anh đổi đời. Nhưng nay, giá tiêu giảm còn 100 nghìn/kg, thấp hơn năm ngoái từ 50-70 nghìn đồng/kg. Anh quyết định găm hàng chờ giá lên, vì với giá hiện tại có bán cũng không đủ tiền trả tiền đầu tư.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Hà cho biết: Nhà ông có 1 ha tiêu trồng xen với cà phê, trong đó có 100 trụ được 10 năm tuổi cho thu hoạch ổn định gần 1 tấn/năm, còn lại là tiêu mới trồng được 2-3 năm, nhưng cứ gặp phải tình trạng, khi tiêu bắt đầu phủ trụ thì chết, ông phải trồng đi trồng lại nhiều lần. “Tất cả chi phí đầu tư giống, phân bón, chủ yếu đi vay mượn ở các đại lý thu mua nông sản, khi nào thu hoạch thì bán trả nợ. Mấy năm trước giá tiêu cao, gia đình còn dư chút ít, năm nay giá thấp quá. Nếu cứ đà này thì nông dân trồng tiêu lỗ nặng”.
Theo số liệu của Phòng Trồng trọt – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 toàn tỉnh có 27.588 ha hồ tiêu, trong đó diện tích trồng mới là 5.561 ha; diện tích tiêu kinh doanh là 14.865 ha; năng suất đạt 32, 73 tạ/ ha; sản lượng đạt 48.650 tấn. Diện tích hồ tiêu chủ yếu tập trung ở các huyện: Krông Năng, Cư Kuin, Ea H’leo, Ea Kar. Con số này vượt xa so với diện tích quy hoạch của tỉnh. Thời gian qua, do tình hình thời tiết diễn biến thất thường gây ngập úng, cây trồng bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Do vậy, chi cục khuyến cáo người dân ổn định diện tích cây trồng, thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật để tiêu phát triển bền vững.
Theo số liệu của Phòng Trồng trọt – Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, năm 2016 toàn tỉnh có 27.588 ha hồ tiêu, trong đó diện tích trồng mới là 5.561 ha; diện tích tiêu kinh doanh là 14.865 ha; năng suất đạt 32,73 tạ/ ha; sản lượng đạt 48.650 tấn. Diện tích hồ tiêu chủ yếu tập trung ở các huyện: Krông Năng, Cư Kuin, Ea H’leo, Ea Kar. Con số này vượt xa so với diện tích quy hoạch của tỉnh.