Ngôi làng lọt thỏm giữa đại ngàn
Giữa đại ngàn heo hút, làng Đựa chỉ có 13 hộ dân sinh sống, nhưng bên trong đó lại ẩn chứa những lời nguyền bí ẩn tưởng rằng chỉ có trong truyền thuyết… Chẳng thế mà khi chúng tôi hỏi đường vào làng Đựa, nhiều người dân hốt hoảng ngăn cản đừng đến vì “bùa ngải ghê lắm”.
Bỏ sau tai những đồn thổi đầy huyễn hoặc, thần bí, chúng tôi vẫn tìm đến làng Đựa sau những cung đường lầy lội, trơn trượt. Ông Lê Đình Dân, Trưởng làng, cho biết: Làng Đựa được đặt theo tên ông Lự Văn Đựa hay còn gọi là ông Cả Đựa (1914 - 1990), người đã cùng cha mẹ khai thiên lập địa, gây dựng nên ngôi làng này. Trải qua thời gian gần 100 năm, làng đã có 5 đời sinh sống, phát triển thành 13 hộ, với 57 nhân khẩu. Họ có chung dòng máu, quần tụ, dựa vào nhau để sống, một cuộc sống được cho là bí ẩn, thầm lặng giữa rừng xanh.
Hàng chục năm trước, làng Đựa trở thành “thánh địa bất khả xâm phạm”, không ai dám bén mảng đến gần nếu như chưa được sự cho phép của Trưởng làng.
Ông Lê Đình Dân cũng là cháu rể của ông Cả Đựa kể lại: “Trước đây tôi chứng kiến bà Thanh đi vào rừng lấy măng về thì đột nhiên đổ bệnh, tưởng là sẽ chết. Nhưng rồi, ông Đựa cho người khiêng bà Thanh đến, ông lẩm bẩm đọc thần chú trong miệng rồi phun vào người là bà Thanh khỏi bệnh.
Hoặc như chuyện có người trong đoàn địa chất lên đây khảo sát, thấy con gái ông Đựa xinh, liền trêu chọc thì bị ông Đựa làm cho lú dại đến khi ông ngưng đọc chú mới thôi. Hoặc các vật nuôi như trâu, bò bị ốm, ông Đựa đều dùng bùa chữa trị (?!)”.
Nhiều người nơi đây bảo rằng, trước khi chết, ông Đựa đã truyền lại bí kíp bùa chú cho con trai cả là ông Lự Văn Mậu. Tuy nhiên, ông Mậu uống rượu ngã xuống ruộng chết đột ngột nên chưa kịp truyền lại hết cho con cháu, đồng nghĩa với việc những phép bùa chú thần bí này cũng biến mất.
Đến làng Đựa, người ta dễ dàng nhận ra có một cánh rừng rậm ở đầu làng, đã có không ít thắc mắc, tại sao người ta phát quang bốn bên, riêng cánh rừng ấy lại để lại và không ai dám đụng đến?
Bà Nguyễn Thị Nguyện, người già nhất làng, là vợ hai ông Cả Đựa cho hay, theo phong tục làng Đựa, người ta đặt xác chết lên một tấm ván, lấy dây buộc người vào ván. Sau khi thực hiện các nghi lễ cúng bái của dân tộc mình, họ đưa người chết đó lên khu rừng rậm, chọn vị trí rồi đặt xác chết xuống. Họ chặt cành cây tấp lên trên xác rồi ra về, không bao giờ quay lại thăm mộ hay cải táng.
Người chết được đặt ở đầu làng là để bảo vệ làng khỏi những tai ương của cuộc sống và của những người lạ muốn đến chiếm nơi sinh sống của người dân làng Đựa.
Bà Nguyện cũng cho biết thêm, ở làng này đã có 5 đời sinh sống, người chết cũng nhiều nhưng hàng chục năm qua chỉ an táng theo cách đó. Tuy nhiên, bây giờ cuộc sống “văn minh” hơn, cùng với sự vận động của chính quyền nên gần đây, có 2 người sau khi chết đã được chôn cất bằng… quan tài.
Đói nghèo và lạc hậu vì “giấc mơ rùa vàng”
Theo lời kể của người dân, cách đây chục năm, ông Lự Văn Nghĩa, một người may mắn bắt được rùa vàng bán với giá 20 triệu đã mua được cặp trâu, nhiều tiện nghi đầy đủ trong nhà. Rồi sau ông Nghĩa, có ông Lự Văn Cạy cũng bắt được rùa. Con rùa vàng mà ông Cạy bẫy được bán với giá 30 triệu đồng. Thấy ông Cạy, ông Nghĩa bắt được rùa, nhiều người trong làng, rồi người dưới xuôi đua nhau vào rừng săn rùa vàng.
Với giá trị mỗi kilôgam rùa vàng lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người ở làng Đựa bỏ bê công việc, cả ngày chui lủi trong rừng với hy vọng được đổi đời. Nhưng, cơ hội đổi đời chưa thấy đâu, chỉ thấy nghèo đói, bệnh tật cứ kéo dài mãi. Nhiều gia đình, vì giấc mơ huyễn hoặc đó mà trâu, bò, lợn, gà đều phải bán hết, còn con cái thì không đứa nào biết chữ.
Đến như ông Cạy và vợ là bà Thanh, một thời “hoành tráng” nhất xóm, giờ phải xuống xuôi xin quần áo cũ về để mặc. Nhìn căn nhà của ông Cạy chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Giờ, ngoài căn nhà xây bao vài chục mét vuông do Nhà nước cho, trong nhà ông bà không có bất cứ một thứ gì đáng giá.
Mùa đông năm nay lạnh thế nhưng đến cái giường cũng không có, bàn ghế cũng không, trống huơ trống hoác từ ngoài vào trong. Ngay như cái áo khoác cũ mà bà Thanh đang mặc cũng là do thanh niên dưới xuôi mang lên cho. Không có chỗ ngồi, bà Thanh ngượng ngùng đưa ra một vài khúc củi để khách ngồi, riêng bà, bà ngồi bệt xuống đất, chân tay bùn đất dính đầy.
Cạnh nhà ông Cạy là hộ anh Dương Văn Hào, năm nay 19 tuổi ở cùng với vợ trong cái lều là mấy tấm phên nứa đan vội, cột nhà là những cây khô chặt trong rừng mang về. Đứng ở trước sân có thể nhìn thấu ra được sau nhà. Khách đến thăm nhà, anh rót bát nước sôi để nguội ra mời nhưng chẳng biết để đâu.
Bàn ghế không có, mà cầm trên tay thì ngượng nên đành kéo khách đến bếp lửa ngồi. Để khách ngồi lên đoạn củi đang cháy dở rồi đặt bát nước xuống đất, thi thoảng nâng bát lên nhấp môi, bằng tấm lòng chân chất, thành thật, anh nói với khách hãy yên tâm mà uống, đây là thứ duy nhất có thể đưa ra tiếp khách lúc này.
Giữa cái lạnh buốt của mùa đông và khi cái Tết đã cận kề nhưng dạo quanh một vòng làng Đựa thì thấy hộ nào cũng nghèo, cũng đói. Thanh niên, người già ở làng Đựa không ai biết chữ ngoại trừ ông Lê Đình Dân - Trưởng làng và mấy đứa trẻ học tiểu học bập bõm. Những năm qua, UBND xã Phúc Đường cũng đã rất quan tâm đến việc dạy chữ cho trẻ em làng Đựa nhưng vì nghèo, vì đói nên các em đều bỏ học giữa chừng.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã Phúc Đường cho biết, làm thế nào để đồng bào trên làng Đựa sớm thoát nghèo vẫn là vấn đề nan giải. Bởi các điều kiện để phát triển kinh tế như điện, đường, trường đều chưa có. Và cái quan trọng hơn là người dân vẫn chưa ý thức được vào cuộc sống của chính mình.
Theo Kim Oanh