Gần 40 năm liệt giường
Chúng tôi gặp ông Đàm tại căn nhà cấp 4 tuềnh toàng trong một buổi chiều mùa đông ấm áp. Trước mắt tôi là một người đàn ông gần năm mươi tuổi nhưng nom thân hình nhỏ thó, tiều tụy vì mấy chục năm liệt giường. Thấy nhà có khách, ông đon đả pha trà mời. Đến bây giờ, khi đã tự đi lại được bằng xe lăn, ông Đàm vẫn không thể quên được quãng đời bất động của mình gần 40 năm qua.
Ông Đàm là con trai thứ hai trong một gia đình thuần nông nghèo túng, có 4 anh chị em. Ngay từ nhỏ, cậu bé Đàm đã rất thích được cùng các bạn đồng trang lứa cắp sách tới trường để học con chữ với ước mơ sẽ có cơ hội thoát cảnh bần hàn. Nhưng tai họa đã ập tới với ông. Vào đầu năm 1976, khi ông đang theo học lớp 4 trường làng, trong một lần đang chơi đùa cùng các bạn, ông bất ngờ ngã quỵ gối giữa sân trường.
Tưởng rằng vết thương sẽ chóng lành, nào ngờ, đêm về hai đầu gối ông sưng tấy, đau nhức khiến ông không thể đi lại được. Ngay sau đó, gia đình đã đưa ông đi chạy chữa khắp nơi. Suốt 3 tháng mười ngày, hai mẹ con ông ròng rã nằm viện mà bệnh tình không thuyên giảm. Bác sĩ chẩn đoán ông bị bại liệt, khuyên gia đình cho ông về nhà và chữa trị bằng thuốc nam. Mặc dù gia đình rất khó khăn, nhưng với hy vọng “còn nước còn tát”, bố mẹ ông đã đi khắp nơi tìm những bài thuốc nam để chữa trị cho ông nhưng bệnh tình vẫn không khỏi.
Mọi hy vọng lành bệnh bị dập tắt khi càng ngày hai chân của ông càng không thể cử động được. Từ đó, ông Đàm phải nằm liệt giường. Vốn là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn ông đã phải chôn vùi ước mơ của mình trong bốn bức tường khi chúng bạn tung tăng cắp sách tới trường. Và cũng từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều phải dựa dẫm vào cha mẹ.
Cụ Vũ Thị Xa (SN 1939), mẹ ông Đàm đau đớn kể lại: “Suốt mấy tháng ròng ở viện, hai mẹ con tôi ôm nhau khóc. Mặc dù nhà nghèo, nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng chạy chữa cho con. Nhìn con đau ốm, sức khỏe ngày càng tàn tạ, tôi thương lắm, đau lòng lắm mà không thể làm gì được”.
Được biết, cả quãng đời gần 50 tuổi của ông Đàm thì từng ấy năm gia đình ông được xếp vào diện nghèo khó của thôn. Bố mẹ ông lấy nhau, không có mảnh đất cắm dùi. Thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hợp tác xã nông nghiệp xã Vĩnh An đã tạo điều kiện cho bố mẹ ông được dựng tạm lán nhà tranh trên mảnh đất của khu chăn nuôi. Lần lượt 4 anh chị em ông ra đời trong cảnh nhà bần hàn, cơ cực ấy.
Nhưng sự đời, đã nghèo lại gặp cảnh eo, khi ông lâm bệnh bố mẹ ông phải chạy đôn, chạy đáo tìm tiền lo chạy chữa cho ông. Tài sản trong nhà, hễ có cái đáng giá là mang đi bán thêm đồng thuốc men. Hàng ngày, các anh chị cùng bố mẹ ông phải ra đồng cày thuê, cấy mướn, kiếm con tép con tôm lấy cái ăn, chỉ mình ông Đàm loay hoay ở nhà. Có những hôm mưa bão, gió giật tung cả mái nhà, mưa như trút nước vào ông. Khi cả nhà về, ông đã ngất lịm đi, sau đợt đó ông ốm trận thập tử nhất sinh. Từ đó, sức khỏe của ông càng yếu dần và bị liệt thêm nửa người bên phải.
Cũng vì cảnh nhà khó khăn, không có tiền chạy chữa mà bố ông cũng ra đi trong một cơn bạo bệnh để lại gánh nặng trên đôi vai gầy yếu của mẹ ông. “Ông ấy ra đi đột ngột để lại cho tôi một nách 4 đứa con thơ dại. Nhiều lúc không biết phải xoay xở ra sao để sống, khổ cực lắm” - cụ Xa rầu rĩ kể lại.
Cũng từ đó mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đến tay cụ Xa. Thương mẹ, nhưng bất lực trước bệnh tật, đã nhiều lần ông Đàm nghĩ đến cái chết để không còn là gánh nặng cho gia đình. Song tình thương yêu của mẹ và các anh chị em đã tiếp thêm sức mạnh cho ông sống tiếp. Năm nay đã sắp bước sang tuổi 50, nhưng thân hình ông nhỏ bé như một đứa trẻ lên 5, với cân nặng 18kg.
Giấc mơ lạ và hình ảnh người đàn ông tàn nhưng không phế
40 năm liệt giường là ngần ấy thời gian trôi đi trong vô vọng về một đôi chân lành lặn. Ông và gia đình dường như đã chấp nhận số phận. Ấy vậy mà, trong một đêm nằm ngủ, ông Đàm đã mơ một giấc mơ lạ, ông có thể tự ngồi dậy và đi được xe lăn. Tỉnh dậy, ông biết giấc mơ đó rất khó thành hiện thực thậm chí là viển vông, bởi từng ấy năm liệt giường thân hình ông đã biến dạng, sức khỏe ngày càng yếu. Sáng hôm sau, ông vẫn quyết định đem kể chuyện với mẹ mình nhưng cụ cho là giấc mơ hão huyền, cụ không tin điều đó thành sự thật. Như có linh cảm về sự nhiệm màu trong giấc mơ đó, ông Đàm đã đem chuyện kể cho anh trai là Phạm Văn Thuyết (SN 1962) và nhờ anh lên ban chính sách xã Vĩnh An xin xe lăn cho mình.
Trong những ngày tiếp sau, nhờ mẹ đỡ dậy, ông cố gắng nhổm người bám vào thành giường, nhưng 2 mẹ con ngã xuống đất sưng hết chân tay. Sau nhiều lần tập luyện, ông dần ngồi dậy được. Mặc dù chỉ ngồi dậy trên giường được một lúc, nhưng 2 mẹ con mừng rơi cả nước mắt. Suốt ngày hôm đó, mặc dù chân tay bị bầm tím nhưng ông chăm chỉ luyện tập quên cả ăn, cả đau. Sau đó, ông nhận được chiếc xe lăn của ban chính sách xã Vĩnh An trao tặng, nhưng chiếc xe có trục cao không phù hợp với thân hình của ông. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, ông đã tự tay thiết kế một chiếc xe lăn phù hợp với mình và nhờ anh trai phụ giúp. Ông tích cóp số tiền trợ cấp người tàn tật hàng tháng để mua một số phụ tùng kèm theo. Sau vài tháng, ông cũng sắm đủ những thứ cần dùng.
Việc đầu tiên là lắp ráp sao cho phù hợp với mình, mọi công việc hoàn thiện, ông nhờ cửa hàng cơ khí đầu làng. Sau vài tuần sửa đi sửa lại, chiếc xe lăn cũng được hoàn thành. Những ngày đầu lóng ngóng ngồi xe lăn, không ít lần 2 mẹ con ngã bổ ngửa trước bậc nhà.
Từ chỗ tập đi loanh quanh trong nhà, ông tự đi ra ngoài đường tới nhà hàng xóm chơi. Câu chuyện ông Đàm bỗng nhiên ngồi dậy và đi được xe lăn khiến nhiều người trong xóm ngạc nhiên. Anh Phạm Văn Thành (SN 1986) chia sẻ: “Tôi hết sức bất ngờ khi nhìn thấy ông Đàm một mình đi xe lăn ra đường chơi. Từ khi tôi sinh ra đến bây giờ tôi chỉ thấy ông ấy nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào người khác. Giờ ông đã tự đi lại được và tự tay chế tạo ra xe lăn cho mình, thật đáng khâm phục”.
Với những người lành lặn thì những việc nhẹ nhàng như tự sinh hoạt cá nhân, quét nhà, giặt quần áo... là việc đơn giản. Song với một người tàn tật như ông Đàm để làm được điều đó là cả sự cố gắng tập luyện không ngừng. Ông không chỉ tự tay thiết kế chiếc xe lăn cho riêng mình mà ông còn sáng tạo ra một chiếc gãi lưng từ chiếc liềm gặt lúa. Rồi ông có thể quét dọn sân nhà, giặt quần áo, làm việc vặt trong nhà giúp mẹ già.
Ước mơ về một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền và những đứa con ngoan đã quá xa vời với ông Đàm. Nhìn các bạn bè và anh chị em ai cũng có tổ ấm riêng, ông cảm thấy tủi thân. Đã nhiều lần ông trăn trở suy nghĩ nhưng không dám nói lên ước nguyện riêng tư vì tự ti với hoàn cảnh của mình. Bây giờ sức khỏe đã có dấu hiệu tiến triển tốt, ông đã mạnh dạn nói lên ước mơ nhỏ nhoi mà ông đã ấp ủ mấy chục năm qua. Ông mong tìm được một người bạn đời cùng cảnh ngộ để an ủi, giúp đỡ, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong quãng đời còn lại.