'Ngoại giao tươi cười' và sự đồng thuận của ASEAN

GS Carlyle Thayer
GS Carlyle Thayer
TP - Trung Quốc đang thực hiện “ngoại giao tươi cười” nhằm làm dịu tình hình liên quan phán quyết của Tòa Trọng tài; một nước đơn lẻ không thể ngăn cản sự đồng thuận trong ASEAN về vấn đề biển Đông, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), trao đổi với phóng viên Tiền Phong nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các hội nghị liên quan diễn ra ở Lào từ 6 tới 8/9.  

Trung Quốc thực hiện “ngoại giao tươi cười” và có bước đi nhẹ nhàng trong giai đoạn trước và trong Hội nghị thượng đỉnh G20 (ở Hàng Châu, Trung Quốc) và các hội nghị cấp cao ASEAN cùng các hội nghị liên quan (ở Vientiane, Lào). 

Trung Quốc không muốn các nhà lãnh đạo thế giới nêu vấn đề tranh chấp trên biển Đông và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài một cách công khai. Philippines đã cử đặc phái viên tới Hong Kong để thảo luận về các cuộc đàm phán song phương trong tương lai.

Trung Quốc cũng sẽ chờ xem cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ đem lại điều gì và sẽ cố gắng làm bạn với chính quyền mới trước khi đương đầu. Rốt cuộc, Trung Quốc đang nỗ lực tranh thủ sự hợp tác của Mỹ trong các vấn đề chiến lược toàn cầu và đang thuyết phục Mỹ rằng, biển Đông không phải là một vấn đề quan trọng đối với Mỹ.

Campuchia có năng lực ngăn cản sự đồng thuận trong ASEAN về một số vấn đề cụ thể liên quan biển Đông, ví dụ nhắc đến Tòa Trọng tài. Nhưng Campuchia không thể ngăn cản các ngoại trưởng ASEAN hoặc các nguyên thủ quốc gia đề cập biển Đông trong các tuyên bố chung của họ. Kể từ năm 2012, Campuchia đã cùng đồng thuận trong ASEAN về việc đưa ra nhiều tuyên bố chung.

Việc ASEAN không đề cập, không kêu gọi thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài tại các cuộc họp ASEAN gần đây không thể được coi là thắng lợi của Trung Quốc. Tòa Trọng tài là vấn đề song phương giữa Philippines và Trung Quốc. ASEAN thực sự tái khẳng định cam kết giải quyết các tranh chấp biển đảo với việc tuyệt đối tôn trọng “các tiến trình pháp lý và ngoại giao”. 

Cụm từ này được trích ra từ tuyên bố chung của Hội nghị hẹp cấp bộ trưởng ASEAN được đưa ra ở Vientiane hồi tháng 2 năm nay và được đưa vào khổ thứ hai của Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49. ASEAN đã nhất trí về một lập trường thống nhất bằng cách kêu gọi phi quân sự hóa và tự kiềm chế việc đưa người tới ở tại những bãi cạn, bãi đá, đảo hiện không có người ở.

ASEAN cũng đưa ra ba văn kiện quan trọng khác. Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN nhân dịp kỷ niệm 40 năm ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á là một sự khẳng định quan trọng rằng, cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. 

Tuyên bố này cũng kêu gọi việc cân nhắc một công cụ khu vực có tính ràng buộc pháp lý. Một văn kiện đáng chú ý nữa là Tuyên bố chung của ngoại trưởng các quốc gia thành viên ASEAN về duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Đây là kết quả của một sáng kiến do Indonesia đưa ra. Cuối cùng, ASEAN và Trung Quốc ra tuyên bố về DOC và về việc sớm kết thúc đàm phán COC. 

MỚI - NÓNG