Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức với sự tham gia của hơn 60 học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trung tâm, viện nghiên cứu của các nước Đông Á và Đông Nam Á, đại diện Chính phủ Indonesia, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tại Jakarta...
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Siswo Pramono, Tổng Vụ trưởng Phát triển và Phân tích chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, nhấn mạnh, thực trạng của những diễn biến phức tạp trên biển Đông đang đòi hỏi các thành viên ASEAN tăng cường đoàn kết vì mục tiêu phát triển chung. Mỗi người dân ASEAN không chỉ hưởng lợi từ Cộng đồng ASEAN mà còn đóng vai trò và đóng góp quan trọng cho cuộc sống hằng ngày và các vấn đề của khối.
Về vai trò của ASEAN trong vấn đề biển Đông, TS. PGS Ralf Emmers - Trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, nói rằng, ASEAN đang cố gắng giải quyết vấn đề biển Đông và đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 sắp diễn ra tại Lào. Theo ông Emmers, sau phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) ngày 12/7, đây là lần đầu tiên lãnh đạo của các quốc gia ASEAN cũng như nhiều nước lớn trên thế giới sẽ gặp nhau và có các cuộc gặp song phương cũng như đa phương để thảo luận vấn đề biển Đông. Ông khẳng định, ASEAN nên tiếp tục đóng vai trò tích cực trong giải quyết vấn đề biển Đông và tất cả các nước thành viên ASEAN cần có sự đoàn kết và có tiếng nói chung để giải quyết vấn đề này.
Hội thảo gồm 3 phiên: Hiện trạng biển Đông; ASEAN và biển Đông; Giải pháp hòa bình cho những xung đột biển Đông. Các đại biểu đã tập trung thảo luận những biện pháp tối ưu cho việc quản lý và giải quyết xung đột ở biển Đông; tìm các giải pháp hòa bình làm giảm căng thẳng xung đột trên biển; tăng cường đoàn kết giữa các nước ASEAN đối với vấn đề biển Đông...