Hàng công của CLB Hà Nội xứng đáng mạnh nhất trong số 14 đội bóng với 45 bàn thắng. CLB Hà Nội cũng là đội có hàng phòng ngự vào loại tốt nhất ở mùa giải năm nay với chỉ 27 lần để thủng lưới, bằng với B.Bình Dương và chỉ hơn Than Quảng Ninh 1 bàn. Đứng sau đội bóng thủ đô về số bàn thắng là đội đầu bảng Quảng Nam, được 41 bàn và xếp thứ 3 là đội nhì bảng hiện tại, FLC Thanh Hóa, ghi được 40 bàn thắng. Tương tự CLB Hà Nội, Quảng Nam và FLC Thanh Hóa đều có hàng phòng ngự vững chắc, thể hiện qua việc chỉ để lọt lưới lần lượt 29 và 28 lần. Trên bảng xếp hạng, 3 đội bóng này đang chiếm giữ 3 vị trí đầu tiên. Quảng Nam được 42 điểm (hiệu số +12), FLC Thanh Hóa 41 điểm (hiệu số +12) và CLB Hà Nội 39 điểm (hiệu số +18).
Ở chiều ngược lại, những đội bóng cuối bảng xếp hạng đều có hàng tấn công và phòng ngự vào diện dở. Điển hình nhất chính là đội đứng cuối bảng xếp hạng Long An. Sau 23 trận, Long An chỉ được 10 điểm, ghi 26 bàn thắng và để thủng lưới tới… 56 lần, hiệu số -30. Đội bóng của ông bầu Võ Quốc Thắng đã 99% xuống hạng ở mùa giải năm nay. Ngay cả một đội bóng khác gây ồn ào khá nhiều trên các mặt báo là CLB TP Hồ Chí Minh cũng có thống kê về chuyên môn rất kém cỏi. Sau 23 trận, đội bóng của quyền Chủ tịch Lê Công Vinh ghi được 26 bàn, bằng với Long An nhưng thủng lưới ít hơn, 35 lần. Không ngạc nhiên khi CLB TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đứng thứ 10 với 25 điểm, hơn 1 điểm so với đội bóng trẻ HAGL.
Trong nhóm các đội cuối bảng, HAGL ghi được 30 bàn thắng, để thủng lưới 40 bàn, được 24 điểm và đang đứng vị trí thứ 11.
Ngoại binh là sự khác biệt
Thống kê cho thấy, các chân sút ngoại đóng vai trò quan trọng đối với hàng tấn công các đội bóng ở V-League. Trong danh sách 8 cầu thủ ghi bàn nhiều nhất sau vòng 23 thì 7 là ngoại binh. Trường hợp cầu thủ nội duy nhất lọt vào nhóm đầu V-League về số lượng bàn thắng là tiền đạo Anh Đức (B.Bình Dương) với 12 pha lập công. Thành tích của Anh Đức ngang bằng với Anthony Stevens của Hải Phòng, Claudeeir của Quảng Nam và Nsi của Cần Thơ. Đây là 4 tiền đạo đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V-League.
Thấp hơn một chút, hai cầu thủ ghi được 10 bàn thắng là Pape Omar Faye và Uche. Cả hai đều thuộc biên chế CLB FLC Thanh Hóa. Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) đứng sau với 9 pha lập công cho đội bóng thủ đô và dưới nữa, tiền đạo Lê Văn Thắng cũng của FLC Thanh Hóa ghi được 8 bàn. Tiền đạo Công Phượng dù phong độ không thực sự ổn định cũng đã ghi được 7 bàn thắng cho HAGL. Đồng đội của Công Phượng là Vũ Văn Thanh ghi được 6 bàn thắng. Trong số những cầu thủ đã ghi được 6 và 7 bàn thắng ở V-League sau vòng 23 thì gần nửa cũng là các chân sút ngoại.
Hầu hết các đội bóng ở V-League hiện nay đều sử dụng trục dọc là các cầu thủ nước ngoài. Đây được cho là một trong những lý do khiến các ĐT Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng tiền đạo những năm vừa qua. Tuy nhiên, với một nền bóng đá phát triển lên chuyên nghiệp, sử dụng ngoại binh là xu hướng tất yếu để đảm bảo giải đấu có chất lượng, hấp dẫn hơn. Hãy lấy HAGL làm ví dụ, nhìn vào danh sách các cầu thủ ghi bàn nhiều nhất ở V-League, đội bóng của bầu Đức rõ ràng thất thế so với các đối thủ vì thiếu một chân sút ngoại giỏi. Nếu không kể ngoại binh thì chỉ Anh Đức và Lê Văn Thắng đang ghi nhiều bàn hơn Công Phượng hay Văn Thanh.
Thống kê của BTC V-League sau vòng 23, đã có tổng cộng 457 bàn thắng được ghi, trung bình 2,84 bàn/trận. Trong số này, ghi nhiều bàn thắng nhất là hàng tấn công của các đội bóng ở tốp đầu bảng xếp hạng.