Ngô Tự Lập - từ văn sĩ đến nhạc sĩ

Lấy bằng Tiến sĩ Văn chương tại ĐHTH Illinois (Mỹ, 2006), Ngô Tự Lập hiện giảng dạy tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà
Lấy bằng Tiến sĩ Văn chương tại ĐHTH Illinois (Mỹ, 2006), Ngô Tự Lập hiện giảng dạy tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà
TP - Việc đặt lời cho bài hát thường ít được quan tâm như một vấn đề học thuật, nói gì đến việc dịch lời ca khúc nước ngoài. Dịch và dịch ca từ của nhà văn Ngô Tự Lập vừa phát hành là công trình hiếm hoi đề cập vấn đề này một cách đa chiều và thực dụng.

Ngô Tự Lập thông thạo ít nhất 3 ngoại ngữ, thường xuyên giảng dạy đại học trong, ngoài nước bằng các thứ tiếng đó. Sau một số CD chung với nhóm M6, thủ lĩnh của nhóm đang ấp ủ ra CD riêng. Mỗi bài hát anh viết ra trước hết là một bài thơ xét về lời. Cuộc trò chuyện với anh không chỉ giới hạn trong thơ và nhạc.

Thực trạng ca từ dịch có phong phú đến độ anh phải viết một cuốn sách về nó?

Rất nhiều bài hát nước ngoài đã được Việt hóa, và không thể hình dung đời sống âm nhạc Việt Nam mà không có mảng quan trọng này. Nhưng phần lớn lời bài hát nước ngoài là phỏng dịch, rất hiếm bài dịch sát nghĩa. Theo tôi, đó là một thiệt thòi đối với người nghe nhạc Việt Nam.

 Một trong nhiều lý do là dịch lời bài hát rất khó, khó hơn cả dịch thơ: đó chính là dịch thơ, nhưng dưới sức ép của nhạc và những khác biệt ngôn ngữ. Tiếng Việt đơn âm nhưng đa thanh, một chữ chọn không khéo khi hát lên có thể bị hiểu theo nghĩa khác. Tôi cho rằng vấn đề rất đáng nghiên cứu.

Nhưng chắc cũng có những bản dịch chuẩn?

Có, chuẩn và hay nữa, dù rất hiếm hoi. Trong số một trường hợp dịch chuẩn hiếm hoi đó, có bài Quốc tế ca. Đầu tiên nó được Hồ Chí Minh dịch ra lục bát, sau đó Trần Phú dịch để hát, cuối cùng Lê Hồng Phong và Trần Bình Long sửa lại để chúng ta hát như bây giờ. Tại sao? Có lẽ vì khi dịch những bài hát chính thức, người ta có thái độ kính cẩn, như dịch Kinh thánh. Còn những bài tình ca thì có thể phóng tác. 

Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng việc dịch ca từ ở miền Nam có hệ thống và chuyên nghiệp hơn. Ví dụ Phạm Duy dịch hơn 360 bài từ rất nhiều thứ tiếng, khá trung thành với bản gốc. Lê Hựu Hà cũng dịch khoảng 100 bài tương đối trung thành. Miền Bắc có một số bài dịch hay, nhưng nhìn chung là tản mạn, không có ai dịch quá vài chục bài.

Anh đánh giá tình hình Việt hóa ca từ nước ngoài hiện nay
ra sao?

Gần đây phần nhiều các bài hát nước ngoài được “Việt hóa” bằng cách bịa ra những lời khá dễ dãi, phần lớn nội dung thất tình, mà chúng tôi gọi vui là “trữ tình tủi thân”. Thật đáng tiếc, vì trong bản gốc, lời của nhiều bài hát là những áng thơ tuyệt hay. Thái độ của chúng ta, ở đây cũng như trong nhiều trường hợp khác, thường khá là tùy tiện. Việc nghiên cứu và dịch thuật cẩn trọng hơn không chỉ là cách tôn trọng tác giả, mà còn là cách để chúng ta học hỏi. Một bài hát hay về tình yêu chẳng hạn, cũng có thể dạy chúng ta rằng người ta có thể yêu sâu sắc đến thế nào, nói về tình yêu hay đến thế nào. Nghe xong một bài hát như vậy, cuộc đời và tâm hồn sẽ giàu có thêm lên.

Một căn bệnh trong lời của nhiều bản tình ca do người Việt sáng tác là bi lụy và sáo rỗng. Bệnh đó bắt đầu từ đâu, theo anh?

Vấn đề bi lụy cần phải có một nghiên cứu sâu sắc mới có thể trả lời được. Nhưng sáo rỗng là chuyện về thước đo thẩm mỹ. Một bài hát gây cho ta cảm giác sáo rỗng, hay nói như cách thường gọi là “sến”, vì nó lặp lại những từ cũ, hình ảnh cũ, giai điệu cũ, cách cảm cũ. Sâu xa, đây là vấn đề giáo dục. Một ví dụ nhỏ, những bài tập đọc từ lớp 1-2, bây giờ tôi vẫn thuộc lòng (đọc luôn vài bài- PV). Không riêng gì tôi, mà bạn tôi ai cũng nhớ cũng thuộc. Vẻ đẹp ngôn từ nó phải thấm vào, về sau mình sử dụng hoàn toàn nhuần nhuyễn.

Anh bắt đầu với âm nhạc như thế nào?

Tôi bắt đầu viết nhạc trước cả văn thơ. Hồi chiến tranh, gia đình tôi sơ tán ở Lâm Thao, Phú Thọ. Thị trấn có một hiệu sách của cô Minh. Cô ấy có cô con gái tên Hà, xinh lắm. Mình mới lớn vừa thích sách, vừa thích cô con gái, hôm nào cũng cố đi học sớm để đến hiệu sách. Một lần, thấy quyển Robinson Crusoe, tôi đứng đấy đọc. Đọc chùa thôi, vì có tiền đâu. Trống tùng tùng, chạy vội về trường. Ra chơi lại chạy ra đọc tiếp, vừa đọc vừa tần ngần, chỉ lo có ai đến mua quyển sách. Cô bán sách hỏi: “cháu có việc gì không?” Tôi bảo: “Cô ơi, cô cất hộ cháu quyển này đi, đừng bày nữa được không?” “Cô đang bán sách sao lại cất đi?” “Cháu muốn mua”. “Thế bao giờ cháu mua?” “Khoảng hai tháng nữa ạ. Cháu nuôi một đàn ngỗng. Hai tháng nữa, cháu sẽ bán lấy tiền mua sách”. “Cô cho cháu mượn. Đọc xong đến trả cô”.

Từ đó tôi cứ lên hiệu sách mượn sách về đọc hết, cái gì cũng đọc, kể cả Dạy đàn mandolin của Lê Lôi, Tự học ký xướng âm của Doãn Mẫn. Rồi bố tôi mua cho cây đàn mandolin. Tôi cứ tự học mà chẳng có thầy. Hôm ấy tập được bài Con kênh xanh xanh, hát thuộc rồi nhưng không biết có đúng không. Tình cờ, đi học về nghe tiếng loa phát thanh trên đồi: “Sau đây đoàn ca nhạc Đài TNVN trình bày bài Con kênh xanh xanh.” Tôi đứng sững lại, run như cầy sấy. Vì đó là giây phút thử thách: tôi đã biết nhạc hay chưa. Nghe từ đầu đến cuối bài hát, tôi ôm cặp chạy lao thẳng về nhà hét toáng lên với chị: “Chị Ngọc ơi, em biết nhạc rồi!” Tôi sáng tác từ đó...

Anh thu xếp thời gian thế nào mà có thể vừa giảng dạy, viết sách, viết nhạc…?

Tôi có phải thu xếp gì đâu. Trên đời cái gì cũng có mặt hay, người nào cũng mặt thú vị. Nếu một cuốn sách anh đọc kỹ thì anh giàu lên, còn nếu đọc không kỹ thì nó tuột đi, anh chỉ mất mỗi thời gian thôi. Anh sống một cách cẩn thận, kỹ lưỡng, nghiêm túc thì mỗi giây sống nó làm cho cuộc đời anh giàu thêm. Nếu không, thời gian sẽ trôi đi một cách vô bổ.

“Làm nghệ thuật có hai loại. Một là làm bằng thước đo của tương lai. Phần đông làm bằng thước đo của quá khứ- tức thói quen. Người làm theo thước đo quá khứ bản chất chỉ là thợ, nghệ nhân. Những gì làm ra theo thước đo quá khứ thường rất ăn khách, bán chạy. Vì phần lớn mọi người sử dụng mọi thứ theo thói quen. Còn anh làm bằng thước đo tương lai, đối tượng sử dụng ít, thậm chí còn bị chê bai. Phải đợi đến khi người ta quen dần với các thước đo ấy, tức là nó đã trở thành quá khứ, thì những nghệ nhân sử dụng thành quả của anh lại kiếm được lợi. Trong khi anh lại đang đi làm cái khác, lại đang bị chửi tiếp vì cái mới của anh.

Số phận của những người đi tiên phong là vậy”. 

Nhà văn Ngô Tự Lập

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.