Ngỡ ngàng Bạch Long Vĩ

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN Lê Quốc Phong thăm mô hình nhân giống bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Trường Phong
Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội SVVN Lê Quốc Phong thăm mô hình nhân giống bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Trường Phong
TP - Hơn 20 năm, với cống hiến của nhiều thế hệ những đoàn viên, thanh niên, đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ đổi thay nhanh đến bất ngờ. Nơi đây, nhà cửa khang trang, đường sá rộng lớn, những dịch vụ phát triển chẳng kém trong bờ…Chính những người thanh niên năm xưa ra đảo cũng ngỡ ngàng trước sự chuyển mình kỳ diệu

Cuộc sống trên đảo thanh niên

Vượt hơn 70 hải lý, đoàn công tác của T.Ư Đoàn đến đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ. Từng nghe nói nhiều đến huyện đảo xa của thành phố Hải Phòng, nhưng ai cũng bất ngờ khi đặt chân lên âu cảng. Một đô thị giữa mênh mông sóng nước.

Chiếc ô tô đưa đoàn viên thanh niên qua những con đường được bê tông kiên cố về khu trung tâm, hai bên đường, nhà dân khang trang, mọc lên san sát bên cạnh những gốc dừa, gốc bàng và hàng cây trúc đào đang mùa trổ hoa.

Ngó qua, thấy hàng quán bày bán chẳng khác gì đất liền. Rau xanh có, thịt lợn có, hoa quả, thực phẩm khô cũng có. Lại thêm các dịch vụ ăn sáng, cà phê, giải khát, bia hơi nữa. Nếu không có tiếng trò chuyện về Bạch Long Vĩ xen lẫn sóng biển vọng vào, có lẽ, nhiều người nghĩ rằng đang ở các vùng biển du lịch nổi tiếng như Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò…

Tối, đảo tràn ánh điện. Nhiều nhóm người quây quần ở vài ba ngôi nhà sát mặt đường mở tivi màn hình phẳng cỡ lớn xem thời sự. 20h, người dân, chiến sĩ trên đảo kéo đến tham gia chương trình giao lưu văn nghệ hướng về biển đảo quê hương. Các tiết mục của sinh viên, bộ đội ngợi ca biển, đảo được ủng hộ, được tán dương bằng những chùm hoa trên đảo…

Đến với Bạch Long Vĩ, ít người nghĩ có thể ngồi ăn chè, uống nước dừa với giá rẻ hơn trên đất liền. “Chè 10 nghìn/cốc, dừa 30 nghìn/quả. Cà phê chỉ 15 nghìn/ly”, cô Đỗ Thị Hiền, chủ một hàng nước bên đường thông báo.

Cô Hiền bảo, mấy năm gần đây, khi đảo được đầu tư, phát triển, trên đảo, nhiều loại hình dịch vụ cũng phát triển để phục vụ thuyền viên, ngư dân đánh bắt cá vào nghỉ ngơi.

Đêm, đảo cũng có khu chuyên phục vụ đồ ăn đêm. Nói về sự phát triển của đảo Bạch Long Vĩ, chị Phú Thị Liễu, giáo viên trường tiểu học Bạch Long Vĩ chỉ dùng 4 từ “như một giấc mơ”.

Ra đảo đã hơn chục năm, chị Liễu vẫn nhớ như in lần đầu tiên đặt chân lên đảo. “Đảo chẳng có gì, chỉ có đường đất, cát trắng và rất nhiều xương rồng”, chị Liễu nói.

Hai phòng học tạm bợ thời chị Liễu mới đặt chân giờ trở thành nhà kho để nhường chỗ cho tòa nhà tầng khang trang làm chỗ học, khu vui chơi cho 20 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4.

“Ở đảo có 20 cháu tiểu học, 20 cháu mầm non. Học sinh học hết lớn 4 rồi chuyển vào đất liền để học tiếp cùng các bạn”, chị Liễu nói. Chị Liễu là một trong 8 giáo viên đứng lớp trên đảo. Dù quê ở Nghệ An, nhưng ra Bạch Long Vĩ, người bén duyên với đất, chị Liễu lập gia đình và chung tình với đảo từ ngày ấy đến bây giờ.

Anh Đinh Như Hùng, khu dân cư số 1 trên đảo khẳng định, cuộc sống trên Bạch Long Vĩ chẳng kém đất liền. Trên đảo giờ đây có đầy đủ mọi thứ, điện, đường, trường, trạm lương thực, thực phẩm dồi dào.

“Chúng tôi điện máy phát luân phiên và cập nhật thông tin nhanh chóng, đầy đủ”, anh Hùng cho biết.

Ngoài việc trao đổi, buôn bán với ngư dân trên biển, những hộ dân trên đảo cũng trồng rau tươi, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt cá. “Nếu vào mùa, một đêm đi câu mực cũng có thể kiếm được cả triệu đồng”, anh Hùng nói.

Phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền

Dù cuộc sống trên đảo Bạch Long Vĩ đang phát triển từng ngày, nhưng cùng với đó nguồn tài nguyên biển đang dần cạn kiệt, nguồn cá khu vực xung quanh đảo mỗi ngày một giảm.

Đang dở tay gỡ cá từ mẻ lưới thả đêm hôm trước, anh Lê Bá Biền, một ngư dân đánh bắt hải sản trên đảo Bạch Long Vĩ chia sẻ, ngày trước, mỗi đêm đi thả lưới thu được vài triệu đồng, nhưng nay chỉ còn khoảng vài trăm nghìn.

Đặc biệt, lượng bào ngư, đặc sản nổi tiếng mang thương hiệu Bạch Long Vĩ do đánh bắt không hợp lý đã giảm nhiều so với trước. “Từ năm 2013, huyện đảo đã triển khai dự án nghiên cứu sản xuất, cung cấp giống bào ngư cho các hộ dân trên đảo”, anh Nguyễn Công Diễn, Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng chia sẻ.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, các kỹ sư của Trung tâm giống bào ngư trên đảo lựa chọn những con bào ngư đủ tiêu chuẩn trong tự nhiên cho “kết hôn” trong môi trường nuôi nhân tạo trên đảo để lấy nguồn giống.

“Thường bào ngư đủ 2 tuổi là sinh sản. Ở đây có các bể nuôi bố mẹ, bể nuôi ấu trùng và nuôi giống”, anh Lâm Hữu Tới, kỹ sư bào ngư trên đảo nói.

Việc nhân giống bào ngư trên đảo cũng gặp nhiều khó khăn. “Môi trường nước rất quan trọng, phải đủ độ trong, độ mặn cần thiết thì bào ngư mới sinh trưởng được. Nước biển lấy lên rồi phải qua xử lý, lọc, diệt khuẩn…”, anh Tới chia sẻ. Mỗi con bào ngư ấp nở ra, khi đủ điều kiện làm con giống có giá 5.000 đồng/con. Nuôi 2 năm mới thành bào ngư thương phẩm.

Do là sản vật đặc trưng của đảo, có thương hiệu, nên bào ngư Bạch Long Vĩ rất được ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao. “Nếu phát triển rộng rãi, nguồn lợi kinh tế đem lại sẽ rất lớn”, anh Diễn nhận định.

Việc phát triển bào ngư trên đảo Bạch Long Vĩ cũng là một điểm nhấn trong việc thực hiện đề án của Chính phủ tiếp tục xây dựng đảo thanh niên ở Bạch Long Vĩ. Từ kinh nghiệm hoạt động của thanh niên trên đảo, T.Ư Đoàn nghiên cứu, triển khai trên các đảo tiền tiêu khác như đảo Trần, đảo Hòn Chuối, đảo Phú Quốc, đảo Cồn Cỏ…

Ngỡ ngàng Bạch Long Vĩ ảnh 1

Anh Lê Quốc Phong thắt khăn quàng cho một em học sinh trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Trường Phong

 Theo anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, ngoài đội hình của Tổng đội TNXP Hải Phòng có trên đảo, các đội hình tình nguyện của Hải Phòng và các địa phương khác cũng được tổ chức thường xuyên ra đảo để hỗ trợ.

Trong đội hình tình nguyện ra đảo Bạch Long Vĩ ngày 5 và 6/6 có những giảng viên trẻ, sinh viên của ĐHQG Hà Nội tiến hành khảo sát, nghiên cứu xây dựng các phương án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của đảo, góp sức phát triển kinh tế đảo trong tương lai.

“Ngày đó còn trẻ, hăng hái đi xa lập nghiệp. Tôi cũng không thể tin được là có thể vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trăm bề để ở lại đảo đến bây giờ. Cuộc sống ở Bạch Long Vĩ giờ như một giấc mơ”.

Cô giáo Phú Thị Liễu

Dịp này, T.Ư Hội SVVN triển khai xây dựng cột cờ chủ quyền trên đảo. “Chúng ta chọn các đảo tiền tiêu, đảo thanh niên xây cột cờ chủ quyền trên các điểm cao để ngư dân khi đi đánh bắt có thể nhìn về đảo như điểm tựa tinh thần.

Nếu có điều kiện sẽ xây dựng dưới chân cột cờ những công trình phụ trợ để làm điểm sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân trên đảo, đồng thời hướng tới mục tiêu phục vụ du lịch trong tương lai”, anh Phong nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.