'Bạch Long Vĩ' tuổi 20

'Bạch Long Vĩ' tuổi 20
TP - Bạch Long Vĩ là đảo Thanh niên đầu tiên trên cả nước. 20 năm qua, nhiều thế hệ thanh niên xung phong đã ra đảo dựng xây, góp sức làm nên vóc dáng đô thị trên biển trong một ngày không xa.

Lập nghiệp trên đảo

Cách đây 20 năm, 62 TNXP của Tổng đội TNXP Hải Phòng đầu tiên tình nguyện ra đảo Bạch Long Vĩ tham gia xây dựng đảo. Hết đợt này đến đợt khác, hàng trăm TNXP tình nguyện ra đảo lập nghiệp.

21 tuổi, đang là sinh viên trường y Hải Phòng, chị Vũ Thị Ngân (quê ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) cùng người yêu là anh Nguyễn Văn Bẩy (cùng quê) xung phong đi xây dựng đảo Thanh niên. Cuộc ra đi của họ vướng ít nhiều lời ngăn cản.

“Đi tàu mất hơn một ngày, chúng tôi đặt chân lên đảo. Cảnh đầu tiên nhìn thấy là bãi biển trong xanh và những bãi cát trải dài, hoang sơ. Bắt tay xây dựng đảo với bao khó khăn, không có điện, đường, trường, thiếu từng giọt nước ngọt... Nam thanh niên cạo trọc đầu, cắt ngắn cho khỏi tốn nước. Hàng ngày ra biển tắm xong về tráng qua để dành nước ngọt cho chị em...”, chị Ngân nhớ lại.

Vợ chồng chị Ngân tổ chức đám cưới và lấy hòn đảo tiền tiêu này lập nghiệp. Giờ, chị Ngân là Liên đội trưởng TNXP Bạch Long Vĩ và đã có hai cậu con trai.

Lứa TNXP đầu tiên ra đảo, chuyện tình của anh Hậu chị Huyền (cùng quê ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) khá li kì. Yêu nhau, năm 1993, họ xung phong ra đảo Bạch Long Vĩ lập nghiệp. Gia đình chị Huyền ngăn cản bằng được, dọa từ luôn. Chị Huyền phải lấy tên giả là Lan, để cùng người yêu “trốn” ra đảo. Đôi trẻ gây dựng hạnh phúc, hiện có hai con trai khôn lớn đang học trong đất liền. Mỗi khi nhắc lại chuyện này, anh Hậu (hiện làm Liên đội phó TNXP Bạch Long Vĩ) lại cười toe.

Phó Chủ tịch huyện Bạch Long Vĩ Đào Trọng Tuệ nói: “Trước, đảo toàn là bộ đội, TNXP ra làm bừng dậy sức sống đảo, không ai trong số TNXP tình nguyện ra xây dựng đảo bỏ trốn về giữa chừng. Họ gắn bó với đảo, nhiều người ở lại xây dựng gia đình, lập nghiệp trên đảo...”.

Ông Tuệ vốn là Liên đội trưởng TNXP Bạch Long Vĩ nhiều năm liền. Vợ ông Tuệ cũng gia nhập lực lượng TNXP ra đảo cùng chồng lập nghiệp. Cách đây một tuần, hai con trai ông Tuệ vừa tốt nghiệp ĐH cũng ra đảo nhận công tác.

Bây giờ, đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ có hơn 60 gia đình đều từng là hoặc đang là TNXP ở lại lập nghiệp.

Gia đình “hoa hậu” đảo

Cùng đoàn công tác của T.Ư Đoàn và Thành Đoàn Hải Phòng ra đảo lần này nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ và 20 năm TNXP tham gia xây dựng huyện đảo, tôi may mắn gặp lại Vũ Thị Mến.

Cũng dịp này năm 2003, trên cùng chuyến tàu Bạch Long đưa thêm lực lượng TNXP bổ sung ra xây dựng đảo, tôi gặp Mến. Lúc đó, Mến mới 21 tuổi, vui vẻ, trẻ trung tạm biệt quê xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) xung phong ra đảo rất sôi nổi, hào hứng như cuộc dạo chơi hay picnic vậy.

Gia đình “hoa hậu” TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phạm Duẩn
Gia đình “hoa hậu” TNXP trên đảo Bạch Long Vĩ. Ảnh: Phạm Duẩn .

Mến da trắng, cao gần 170 cm, mảnh dẻ như người mẫu, luôn nở sẵn nụ cười làm cánh phóng viên chúng tôi xúm lại chụp ảnh, trò chuyện đủ thứ, bầu là “hoa hậu đảo”. Ảnh nữ TNXP xinh đẹp này được nhiều báo đăng tải.

Nhìn Mến, không ai nghĩ cô thôn nữ này có thể trụ lại ở đảo làm bạn với nắng, gió, cát trắng hoang vu, lao động cực nhọc, thiếu thốn đủ thứ... Thế mà trưa 20/3 vừa rồi, đang lang thang trong khu dân cư trên đảo, bất chợt dừng lại khi ngang qua một ngôi nhà.

 Bắt tay xây dựng đảo với bao khó khăn, không có điện, đường, trường, thiếu từng giọt nước ngọt... Nam thanh niên cạo trọc đầu, cắt ngắn cho khỏi tốn nước. Hàng ngày ra biển tắm xong về tráng qua để dành nước ngọt cho chị em....

Trong nhà, một phụ nữ đang cho con bú, tôi chưa kịp hỏi thì Mến đã nhận ra. Vợ chồng Mến kể: Sau thời hạn TNXP, quyết gắn bó cuộc đời với đảo Thanh niên, Mến đi học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội), khoa Xã hội học. Tốt nghiệp, Mến về làm cán bộ văn hóa huyện đảo. Ở đảo, cô TNXP này bén duyên với anh Lê Xuân Phương và đôi bạn trẻ quyết định lập nghiệp trên đảo bằng đám cưới giản dị, đầm ấm vào năm 2009.

Anh Phương năm nay 35 tuổi, quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Bố anh Phương gắn bó với đảo cả đời. Theo bố, sau khi học xong Đại học, anh Phương tình nguyện ra làm việc tại đảo. Em trai anh Phương cũng vậy và đang làm Bí thư Huyện Đoàn... Vợ chồng Mến đã có hai bé gái 3 và 1 tuổi.

“Cuộc sống vật chất ở đảo giờ đã khá giả hơn nhiều so với trước, nhưng xa đất liền nên còn nhiều khó khăn, nhất là giao lưu văn hóa, giải trí, học hành. Các cháu lên THCS là phải gửi vào đất liền học...”, Mến nói.

Chị Mến chăm sóc vườn rau
Chị Mến chăm sóc vườn rau.

Cuộc sống gia đình Mến khá ổn định, chồng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng còn vợ được hơn 6 triệu đồng/ tháng.

Ở đảo tiền tiêu nên các hộ được hỗ trợ, trợ giá nhiều thứ như nhà ở, tiền điện, nước, học hành, khám chữa bệnh... “Em còn trồng rau đấy. Ngoài gia đình ăn, mỗi tháng hái bán cũng được thêm hơn một triệu đồng anh ạ...”, Mến khoe và chỉ cho tôi vườn rau be bé xanh mướt ngay sát tường nhà. “Ở đảo toàn cát, em phải đi xin đất mãi và nhặt phân bò về mới được thế ”, Mến nói.

Một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, đầy ắp tiếng cười, giữa không khí trong lành, yên bình của đảo nhỏ, cuộc sống chầm chậm trôi phải chăng là thứ hạnh phúc ban cho người dân đảo tiền tiêu Tổ quốc này mà không phải nơi nào cũng có được?

dáng dấp đô thị trên biển

Khí chất nhiệt huyết, năng động của cán bộ Đoàn vẫn còn nguyên ở tân Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Bùi Đức Quang. Anh Quang nguyên là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, Bí thư Huyện ủy Thành Đoàn Hải Phòng. Cuối năm 2012, anh Quang được Thành ủy Hải Phòng điều động ra làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo khi mới 37 tuổi.

Một góc đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ
Một góc đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ.

“Chuyến tàu đầu tiên ra đảo cách đây 20 năm đi mất 48 tiếng đồng hồ, giờ chỉ khoảng 7 tiếng. Đảo có âu cảng mỗi năm khoảng 20 nghìn lượt tàu đánh bắt hải sản vào neo trú mua bán hải sản, tiếp dầu, lương thực, nước ngọt, tránh gió, bão. Các tuyến đường vành đai được xây dựng. Hiện, đảo có khoảng một nghìn dân với mức thu nhập trung bình hơn 40 triệu đồng/người/năm. Ngoài sự thiếu thốn nước ngọt và dịch vụ y tế... đảo không có ngân hàng, kho bạc nên khó khăn trong việc giao dịch buôn bán”, anh Quang nói.

Cách đất liền hơn 130 km, 7 tiếng đi tàu, Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh Bắc Bộ là một trong 8 ngư trường lớn, giàu tài nguyên. Đảo Thanh niên tiền tiêu này là mốc chủ quyền quốc gia quan trọng trong phân giới Vịnh Bắc bộ.

Khu trường tiểu học, mầm non, nhà trẻ ở đảo khá khang trang. Trường có 8 thầy cô giáo mà chỉ có 37 cháu. Bệnh viện rộng rãi. Công viên, khu vui chơi, đền, chùa được chăm sóc chu đáo, tôn nghiêm...

Nhiều dự án đang triển khai trên đảo Thanh niên như: đầu tư xây dựng cảng và khu neo đậu tàu phía tây bắc đảo (bên cạnh âu cảng hiện nay), đóng mới tàu chở khách và hàng hóa ra đảo với sức chở hơn 200 khách và 50 tấn hàng, xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo, thông tin liên lạc, xây dựng trại sản xuất giống bào ngư... Mới đây, hai đoàn khảo sát đã có mặt ở đảo để tiến tới mở tuyến du lịch khám phá Bạch Long Vĩ.

Nay mai, tàu to được hạ thủy, tour du lịch Bạch Long Vĩ phục vụ các du khách ưa khám phá, tìm hiểu về biển, câu cá trên biển sẽ hình thành. Nhiều kế hoạch, nhiều dự án tầm vóc đang triển khai ở đảo.

Sau 20 năm đổ sức xây dựng từ các bãi cát hoang vu, vóc dáng một đô thị đảo trên Vịnh Bắc bộ đang dần hình thành, là trung tâm hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, bảo tồn sinh vật biển, du lịch...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.