Ngơ ngác trước thiệt hại của dân

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
TP - Cả triệu người dân Thủ đô lao đao do nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm, kéo dài cả tuần, cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách đối với vấn đề sinh tử của dân.

Đối với người viết sử chúng tôi, báo cáo định kỳ của Chính phủ tại mỗi kỳ họp Quốc hội rất quan trọng. Nó không chỉ là cơ sở để Quốc hội và cử tri đánh giá tình hình đất nước và hoạt động của Chính phủ giữa hai kỳ họp, mà còn là sử liệu cho đời sau.

Báo cáo đề cập nỗ lực của Chính phủ đóng góp quan trọng cho thành tựu đạt và vượt 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh... Là người có chức năng giám sát, ĐBQH chúng ta cũng như cử tri có thể cảm nhận được điều đó không chỉ trên giấy tờ mà trong chính cuộc sống của mình. Và sự đánh giá càng tích cực được khẳng định khi chúng ta nhìn nhận trong một thế giới đầy biến động, rủi ro và đang có chiều hướng nảy sinh nhiều tác động tiêu cực.

Tôi không nhắc lại những điều tích cực mà nhiều ĐBQH đã phát biểu, điều tôi muốn nói là trên một bức tranh toàn cảnh có phần sáng sủa ấy, thực tiễn đôi khi mang lại cho chúng ta và Chính phủ những câu hỏi đáng suy nghĩ.

Giữa lúc Chính phủ luôn thôi thúc cả nước coi cuộc cách mạng 4.0 là một đột phá để phát triển và theo kịp thiên hạ thì một việc tưởng như rất tầm thường về công nghệ là thu phí BOT tự động trầy trật vẫn không thực hiện được, với những lý do mà người dân đều hiểu là “câu giờ để kiếm lời”. Cái lợi chắc chắn không chỉ của nhà đầu tư mà còn của nhóm lợi ích, không ngoại trừ có cả những người trong bộ máy công quyền.

Giữa lúc Quốc hội đang bàn đến việc thí điểm để tiến tới giảm bớt một phần bộ máy dân cử vốn có chức năng giám sát cơ quan hành pháp, thì một sự vụ như vụ Công ty Alibaba lừa dân, bán bất động sản ảo diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên hàng ngàn, số thiệt hại rất lớn. Vậy mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn “ngơ ngác, thúc thủ” như chưa hề có việc gì nghiêm trọng cho đến lúc dư luận, người dân lên tiếng.

Phải đến vụ cháy cơ sở Rạng Đông chúng ta mới giật mình nhận ra chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư đã triển khai từ lâu nay vẫn dường như “giậm chân tại chỗ”. Một thử nghiệm của ngành Giao thông đối với loại hình vận tải công nghệ tuyên bố thực hiện trong hai năm đã hết thời gian từ lâu vẫn chưa đưa ra được văn bản pháp lý để điều chỉnh, khiến số lượng phương tiện tham gia không kiểm soát được, thuế thu không đủ, gây xung đột trong giới vận tải.

Cả triệu người dân Thủ đô lao đao do nguồn cung cấp nước sạch bị ô nhiễm, kéo dài cả tuần, cả xã hội mới giật mình nhận ra cách quản lý tắc trách của Nhà nước đối với vấn đề sinh tử của dân.

Những thiệt hại của dân là đáng kể vì nguyên nhân vẫn là nhà nước không sâu sát với dân của mình.

Theo THÀNH NAM (ghi)
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.