Năm học 2020-2021 mới chỉ diễn ra hơn 3 tháng nhưng đã có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến nhiều học sinh ở các trường học cũng như mất an toàn về thực phẩm.
Dồn dập các vụ ngộ độc thực phẩm
Đầu tháng 9, sau bữa ăn trưa tại Trường tiểu học Tiên Dương, 48 học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài phải nhập viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) điều trị. Ngày hôm sau có nhiều học sinh phải nghỉ học vì có biểu hiện tương tự.
Sau đó 1 ngày, 11 học sinh Tiểu học Lê Hữu Tựu, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau bữa trưa tại trường. Những học sinh này đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài…Cơ quan chức năng huyện này đã lấy mẫu thực phẩm đi xét nghiệm và chấm dứt hợp đồng, với công ty cung ứng thực phẩm đồng thời rà soát lại toàn bộ quy trình cung ứng, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn trường học.
Cũng trong tháng 9, tại Trường tiểu học Bình Trưng Đông, quận 2 (TP HCM) sau bữa ăn bán trú có 98 em có biểu hiện bất thường. Trong đó, có 20 em phải nhập viện điều trị và có chung biểu hiện sốt, nôn, đau bụng. Được biết, trường này nhập thực phẩm từ công ty cung ứng và chế biến bữa ăn tại trường. Riêng bữa ăn hôm đó, học sinh dùng bánh canh tôm, bữa chiều là bánh su kem do công ty cung ứng nhập ở ngoài về.
29 học sinh Trường tiểu học Minh Thắng (Bình Phước) cũng đã phải nhập viện điều trị vì có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa với cơm và bánh plan.
Mới đây nhất là vụ việc học sinh Trường tiểu học, THCS –THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục phát hiện có giòi trong bữa ăn trưa. Theo báo cáo của trường này, trong bữa ăn trưa ngày 23/11, học sinh lớp 9A phát hiện có ấu trùng sống màu trắng liên tục mổ đầu ở khay ăn. Sự việc được lập biên bản. Rà soát lại quy trình và làm việc với Công ty cổ phần dịch vụ Quốc tế Hà Thành (Haseca) và đoàn kiểm tra liên ngành đã đi đến kết luận: thiết bị, phương tiện vận chuyển, quản quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm thực phẩm.
Chưa kể, trước đó có những sự việc như: phát hiện thực phẩm ôi thiu chuẩn bị tuồn vào trường học; hàng chục học sinh nhập viện sau bữa ăn bán trú. Ví dụ, năm 2019, kiểm tra đột xuất, phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) phát hiện hàng chục kg thịt gà bốc mùi được nhập vào trường, chuẩn bị chế biến bữa trưa cho học sinh; thịt lợn nhiễm sán trong bữa ăn của trẻ tại Trường mầm non Thanh Khương, Huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) khiến 57 trẻ dương tính với sán lợn…
Phụ huynh khó kiểm tra bữa ăn?
Chị Trần Thị Thu Hà, từng có con học tại Trường mầm non Kisdgaden Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, có 2 con đi học và ăn bán trú ở trường khiến chị rất lo lắng nhưng khó có giải pháp khác. Ở trường mầm non, trường tổ chức ăn 2 bữa sáng và trưa nhưng chị chịu khó dậy sớm, tự chế biến bữa sáng cho con, còn buổi trưa đành phó thác cho nhà trường. Chị kể về một lần con từng bị ngộ độc thực phẩm khiến chị ám ảnh. “Đang trong giờ làm việc buổi chiều, nhận điện thoại cô giáo báo con đau bụng, nôn. Hốt hoảng về trường, chị nhận con trong tình trạng nôn đến mềm oặt người. Đưa con đi khám ở bệnh viện, bác sĩ cho biết con có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Mãi 3 ngày sau con mới khỏe lại”, chị Hà nói.
Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.600 trường học tổ chức ăn bán trú, trong đó có nhiều trường diện tích chật hẹp, không có nhà bếp buộc phải mua suất ăn ở ngoài. Hiệu trưởng 1 trường THCS quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, nhà trường cũng ký hợp đồng với một công ty cung ứng suất ăn với quy mô mỗi ngày khoảng gần 800 suất.
Công ty này đặt bếp nấu cách trường khoảng chục cây số. Học sinh ăn trưa khoảng 11 giờ 45 phút thì trước đó, thức ăn được chia sẵn trong từng khay, đậy nắp vận chuyển trong xe tải đưa đến trường. Vì thế, chỉ có cơm, canh đặt trong thùng giữ nhiệt là nóng hổi, còn thức ăn đã nguội. “Vì không có bếp, buộc phải đặt suất ăn ở ngoài nhưng cách làm này khiến ban giám hiệu lo sốt vó về an toàn thực phẩm. Tốt nhất, trường học phải có bếp ăn để tự chế biến, nấu nướng vẫn dễ dàng quản lý, giám sát hơn”, hiệu trưởng này nói.
Dù lãnh đạo Sở GD&ĐT nói rằng, đơn vị yêu cầu các trường học phải tăng cường vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú nhưng không ít phụ huynh phản ánh, họ gặp khó khăn trong việc giám sát bữa ăn của con. Đa số các trường học đều yêu cầu phụ huynh muốn đến kiểm tra bữa ăn của con ở trường phải báo trước để đặt lịch.
“Mình mong muốn, có thể đến bất ngờ vào giờ ăn cơm hoặc giờ chế biến bữa ăn của nhà bếp để biết thực phẩm, quy trình chế biến, dinh dưỡng bữa ăn của con ra sao mới khách quan. Còn khi đã đặt lịch, có nghĩa nhà trường đã có sự chuẩn bị. Như thế, không phụ huynh nào muốn đến giám sát bữa ăn của con nữa”, một phụ huynh nói.