Ngộ độc rình rập sau Tết

Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại các hàng ăn vỉa hè (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại các hàng ăn vỉa hè (ảnh chỉ mang tính minh họa)
TP - Nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết lại rình rập khi hàng rong, quán ăn vỉa hè ồ ạt xuống phố ở TPHCM. Nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất vệ sinh vẫn bày bán tràn lan ở các chợ cóc cho lao động nghèo...

 >> Nhiều ca ngộ độc rượu dịp Tết

Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại các hàng ăn vỉa hè (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại các hàng ăn vỉa hè (ảnh chỉ mang tính minh họa) . Ảnh: Hồng Vĩnh

Tấp nập hàng rong

Điểm nóng của hàng rong ở cổng Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ vắng vẻ trong 3 ngày Tết nhưng 2 hôm nay các xe hàng rong di động, quán ăn vỉa hè đã tập kết trở lại để phục vụ lượng lớn thân nhân chăm nuôi người bệnh đang quá tải ở đây.

Nguyễn Hồng C. nhân viên bảo vệ ở cổng bệnh viện cho biết, đã nhiều lần cùng lực lượng dân phòng dẹp nạn hàng rong chèo kéo khách nhưng được một vài hôm đâu lại vào đấy. “Đã không ít người bệnh mang họa khi ăn phải thức ăn ôi thiu, mất vệ sinh tại các điểm bán hàng rong tại đây nhưng vì hàng rong giá rẻ, tiện lợi nên nhiều khách nhắm mắt làm ngơ”- anh C. kể.

Tại cổng bệnh viện Nguyễn Tri Phương đường Nguyễn Trãi, quận 5 hàng rong di động, quán ăn vỉa hè hoạt động rất bát nháo. Nhiều quán hàng ăn trên vỉa hè rất mất vệ sinh, nước rửa chén bát được dùng lại để rửa rau nhưng vẫn thu hút người ăn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Ẩn ở Phú Yên đang nuôi con bệnh nặng cho biết, ngày nào cũng mua bánh mì ở các hàng quán rong nơi đây với giá rẻ dù biết rằng bánh mì phơi mình với gió bụi trên đường.

“Không riêng tôi, những người đang chăm nuôi bệnh nhân nghèo ở đây cũng chỉ chọn bánh mì, hủ tiếu hay bánh canh giá rẻ vỉa hè mà thôi. Họ chế biến rất mất vệ sinh”- chị Ẩn nói.

Khu vực nóng hơn cả là đoạn đường Nơ Trang Long quận Bình Thạnh nơi có hai bệnh viện Nhân dân Gia Định và Ung bướu nằm sát nhau. Mỗi ngày hai bệnh viện tiếp nhận trên 2.000 lượt bệnh nhân thăm khám, nên nhu cầu ăn uống cũng tấp nập không kém.

Cả đoạn đường gần 300 mét không có khu vệ sinh công cộng, điểm đỗ xe buýt trở thành nơi phóng uế của nhiều người nhưng sáng sáng hàng rong vẫn tranh nhau tại đây để bán hàng…

Vấn nạn không đảm bảo vệ sinh tại hàng quán rong là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể cho học sinh trong năm 2010 nhưng trong những ngày qua, tại các trường học, hàng rong đã phục kích đầy trước cổng.

Một phụ nữ 40 tuổi bán hàng rong trước cổng trường THPT Trần Khai Nguyên trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10 cho biết đã mở hàng vào ngày mùng 5 Tết ngay sau khi học sinh trở lại trường.

Tại cổng trường Nguyễn Thị Diệu trên đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3, hàng rong hoạt động tấp nập bất chấp trong năm 2010 gần 10 học sinh nơi đây trở thành nạn nhân của vụ ngộ độc do thức ăn đường phố gây nên.

Xôm tụ chợ cóc

Sau 2 ngày công nhân đi làm trở lại, chợ cóc trước cổng khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 hoạt động tấp nập như vốn có. “Hai năm nay tụi em toàn đi chợ nơi đây, bởi nó tiện đường khi tan ca, giá cả rẻ hơn ở khu chợ Bùi Văn Ba hay Tân Thuận Tây”- chị Hồ Thị Di, công nhân Cty Điện tử Copal ở khu chế xuất Tân Thuận, cho biết.

Chợ cóc hoạt động nhiều năm nay, bán đủ loại thực phẩm từ khô đến tươi sống. Tuy nhiên, hầu hết các mặt hàng đều không có nguồn gốc rõ ràng, người dân buôn bán tự phát nên giá cả cũng phập phù. “Tuy thực phẩm không tươi, rau củ đều ủ từ ngày này qua ngày khác nhưng tiền nào của nấy”- Di nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số thịt gà, vịt và lợn ở đây đều không qua kiểm dịch.

Tại khu trọ dành cho công nhân và lao động nhập cư trên đường Lý Phục Man và Huỳnh Tấn Phát, quận 7, chợ cóc Lý Phục Man đông nghịt mỗi buổi chiều.

Anh Trần Văn, dân phòng ở phường Tân Thuận Đông cho biết, nhiều lần phối hợp với lực lượng thú y, y tế đi kiểm tra đều phát hiện toàn thịt gia súc, gia cầm bán không nguồn gốc, không kiểm dịch, có khi thịt đã ôi thiu, rau củ đã héo úa. Nhưng nhiều lần dẹp chợ nơi này dân buôn lại bày biện nơi khác.

Đầu năm 2011, một vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra làm hơn 200 công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận phải đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là nguồn gốc thịt đã nhiễm khuẩn vi sinh, ôi thiu ở chợ này. Nhưng thông tin ấy dường như không làm ai ái ngại. Nhiều công nhân cho rằng, họ không còn lựa chọn nào khác, bởi lương thấp, đành chấp nhận “của rẻ là của ôi”.

Rình rập tai họa

Trong 3 ngày Tết Tân Mão TPHCM ghi nhận có 30 vụ ngộ độc làm gần 40 người nhập viện. Theo Sở Y tế TPHCM đây là những vụ ngộ độc lẻ tẻ, hoặc do người dân tự đến bệnh viện sau khi có biểu hiện ngộ độc thức ăn.

Công nhân ngộ độc đang được cấp cứu
Công nhân ngộ độc đang được cấp cứu . Ảnh: L.N

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa- Chi cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM, sau Tết người dân không nên chủ quan, bởi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn này vẫn hiển hiện. Đặc biệt, một lượng lớn thực phẩm như mứt, bánh kẹo, lạp xường... không đảm bảo vệ sinh đã được tuồn ra thị trường trước Tết. Chưa kể những món ăn được hâm đi hâm lại, ôi thiu rất dễ gây ngộ độc nếu sử dụng.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, đã có không ít trường hợp nhập viện do sử dụng thực phẩm tươi sống quá hạn, ngũ cốc lên nấm mốc... Thịt gia súc, gia cầm bày bán ở chợ cóc nếu không được kiểm dịch rất có thể là nguồn gây bệnh nguy hiểm khi dịch cúm vẫn rình rập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG