Có hộp đen vẫn phải ra “đứng đường”

Nghìn tỷ lắp hộp đen để làm gì?

Xe khách Hoàng Hà từng đạt giải Vô lăng vàng vẫn chạy lậu vào các tuyến trung tâm Hà Nội để vợt khách nhưng không được xử lý qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Sỹ Lực.
Xe khách Hoàng Hà từng đạt giải Vô lăng vàng vẫn chạy lậu vào các tuyến trung tâm Hà Nội để vợt khách nhưng không được xử lý qua thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Sỹ Lực.
TP - Là chủ trương lớn của Chính phủ và ngành GTVT, tiêu tốn của doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng nhưng thiết bị giám sát hành trình tạm gọi hộp đen chưa phát huy tác dụng. Dữ liệu thiết bị hành trình chưa được khai thác hiệu quả cho công tác quản lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính cơ quan chức năng ngó lơ dữ liệu, để tình hình mập mờ, rồi mất thời gian ra đường tiếp cận lái xe, khiến tiêu cực, nhũng nhiễu có cơ hoành hành.

Nghìn tỷ lắp hộp đen để làm gì? ảnh 1 Minh họa: khểu

Có dữ liệu nhưng chưa “phân tích” được

Như Tiền Phong đã phản ánh trong bài “Điều chuyển xe khách vào Hà Nội vẫn bị vô hiệu hóa” ngày 4/12 vừa qua, phương án điều chuyển luồng tuyến của Hà Nội đang bị một số nhà xe vô hiệu hoá, chạy sai hành trình vào nội thành đón trả khách gây ách tắc giao thông, rối loạn môi trường kinh doanh vận tải.

Vấn đề đặt ra là vì sao không sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và xử lý các xe này? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng Vận tải Sở GTVT cho hay: Hiện nay, dữ liệu của các xe lắp đặt hộp đen đều được đưa lên hệ thống nhưng cái khó là không có phần mềm để lọc ra xe nào chạy sai hành trình để xử lý. “Chúng tôi đã hỏi Tổng cục Đường bộ (cơ quan Trung ương quản lý dữ liệu hộp đen ô tô) nhưng Tổng cục cũng cho biết chưa có phần mềm”, ông Tuyển nói.

Theo ông Tuyển, hệ thống không lọc được thông tin nên dù có thiết bị tự động ghi lại hành trình, muốn tìm xe vi phạm, cơ quan chức năng vẫn phải dựa vào quan sát thực tế trên đường và phản ánh của cơ quan báo chí (?). Với xe vi phạm của các tỉnh khác, Sở GTVT Hà Nội đã gửi công văn đề nghị địa phương trực tiếp quản lý xe đó xử lý. Cụ thể, sau phản ánh của Tiền Phong, ngày 12/12, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có công văn gửi Sở GTVT Thái Bình đề nghị xử lý xe khách Hoàng Hà (công ty từng được giải Vô lăng vàng của Ủy ban ATGT quốc gia), “chạy lậu” vào đường vành đai 2 của Hà Nội để đón trả khách. Tuy nhiên, đến ngày 15/12, hàng loạt xe khách Hoàng Hà vẫn nối đuôi nhau luồn lách trong nội thành và hàng loạt hãng xe khác vi phạm vẫn chưa được nhắc nhở, xử lý.  

Với các trường hợp xe khách Nghệ An ra Hà Nội vượt tuyến từ Bến xe Nước Ngầm lên Hà Nội hoặc lấy cớ đăng ký chạy đến Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để qua Mỹ Đình vợt khách (được Tiền Phong phản ánh trong bài nêu trên) vẫn chưa được xử lý, xe khách vẫn công khai gắn biển chạy bến xe Mỹ Đình. Sau rất nhiều lần liên lạc, ngày 15/12, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT (người trước đó hứa với phóng viên sẽ xử lý ngay nếu báo phản ánh vi phạm) cho biết: Sở đã giao cho lực lượng thanh tra xử lý các xe công khai gắn biển đi Mỹ Đình (thực tế chưa xử lý). Với các xe chạy sai hành trình, nếu xe có biển số Hà Nội, Sở GTVT Nghệ An không có thẩm quyền, chỉ có sở GTVT Hà Nội xử lý, với xe biển số Nghệ An, ông Hùng cho biết “anh em đang kiểm tra”.

Với các xe biển số Hà Nội chạy tuyến Nghệ An - Hà Nội sai hành trình mà Tiền Phong phản ánh (nhiều nhất là xe của hãng xe HN), ông Nguyễn Tuyển cho hay, khi kiểm tra lại... không thấy dữ liệu. “Doanh nghiệp này đã cho gắn nguồn thiết bị giám sát hành trình và Sở sẽ xử lý lỗi này” – ông Tuyển nói và cho biết, vào tháng 11 đã rút giấy phép 1 xe của doanh nghiệp này. Với các xe vi phạm mà Tiền Phong phản ánh sẽ tiếp tục… nhắc nhở.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Tổng cục Đường bộ cho biết, trách nhiệm phát hiện và xử lý các vi phạm hành trình qua dữ liệu chủ yếu thuộc về địa phương vì các Sở GTVT đã được cấp tài khoản để truy cập.

Vì sao lực lượng chức năng thích “đứng đường”?

Nghìn tỷ lắp hộp đen để làm gì? ảnh 2 Thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) lắp trên ô tô.

Tính đến thời điểm này, toàn quốc có khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải các loại phải gắn hộp đen). Nếu tính ở mức giá trung bình hiện nay là 4 triệu đồng/thiết bị, tổng số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra để lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT lên đến 3.200 tỷ đồng. Nếu tính chi phí duy trì mạng di động để truyền tải dữ liệu, sửa chữa, bảo trì và hệ thống các cán bộ quản lý dữ liệu, khoản chi phí đội lên không nhỏ.

Trao đổi với Tiền Phong, một doanh nghiệp kinh doanh thiết bị giám sát hành trình thừa nhận, hiện tại dữ liệu thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp như giám sát được hành trình xe chạy để quản lý tốt hơn (thậm chí có hãng taxi tìm được xe bị cướp nhanh chóng nhờ xe đã được định vị). “Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu của cơ quan nhà nước để quản lý đúng là còn nhiều hạn chế” - ông này cho hay.

Ngoài việc chưa thể lọc, sử dụng dữ liệu như trên, việc khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó, vấn đề mang tính nền tảng là có bản đồ số để tích hợp một cách chính xác các thông số thực tế trên đường giao thông (như quy định về tốc độ của từng đoạn tuyến) vẫn chưa được thực hiện xong dù đã triển khai từ nhiều năm nay.

Một chuyên gia giao thông khẳng định, chủ trương lắp đặt hộp đen là đúng đắn, sử dụng hộp đen sẽ giảm được lực lượng thanh kiểm tra trên đường, vừa khách quan, không bỏ lọt lái xe và chủ phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng chức năng vẫn chủ yếu hoạt động trên đường, khi dư luận nhân dân phản ánh vi phạm xuất hiện lại đổ lỗi cho lực lượng mỏng, địa bàn rộng. “Có nhiều trường hợp, lực lượng chức năng muốn ra hiện trường trực tiếp để gây khó dễ, phát hiện vi phạm và thương lượng thu tiền bên ngoài để trục lợi. Nếu sử dụng thiết bị hành trình, camera để phát hiện xử lý rất dễ, hiệu quả nhưng họ lại không gặp được lái xe để “nước nôi” gì, chuyên gia này nói thẳng.

Dữ liệu từ hộp đen không đủ cơ sở xử lý xe vi phạm

Hiệu quả mang lại từ số tiền đầu tư rất lớn của xã hội chưa thấy rõ. Hiện tại, hàng tháng, Tổng cục Đường bộ chỉ gửi báo cáo xử lý vi phạm hành trình ở một số thông tin hết sức đơn giản như: Số lượng xe vi phạm tốc độ (tuy nhiên, dữ liệu hành trình không đủ cơ sở để xử phạt trực tiếp, chỉ có giá trị thống kê, khi tỷ lệ vi phạm cao mới xử lý được doanh nghiệp) và số lượng xe không gửi dữ liệu về Tổng cục Đường bộ.

 

Toàn quốc có khoảng 800.000 phương tiện vận tải (xe khách, taxi, xe tải các loại phải gắn hộp đen). Nếu tính ở mức giá trung bình hiện nay là 4 triệu đồng/thiết bị, tổng số tiền các doanh nghiệp phải bỏ ra để lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Bộ GTVT lên đến 3.200 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG