Nghiên cứu nhập cát từ Campuchia làm đường vành đai 3 TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TPHCM, hiện nay Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong 1 năm. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo kết quả nghiên cứu đàm phán nhập khẩu cát xây dựng và cát đắp nền từ nước bạn để xem xét, quyết định.

Sáng 1/4, tại TPHCM, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành và tỉnh, thành liên quan về tình hình vật liệu cát đắp nền cho Dự án vành đai 3 TPHCM.

Khó khăn nguồn vật liệu

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2021 - 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam Bộ triển khai thi công 21 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền đường cho các dự án trên khoảng gần 77 triệu m3 (trong đó đất đắp khoảng 7 triệu m3, cát đắp khoảng gần 70 triệu m3). Tổng khối lượng vật liệu đã xác định được nguồn cung là gần 43/gần 70 triệu m3.

Về khó khăn, hiện nay, 4 dự án thành phần thuộc Dự án vành đai 3 đoạn qua TPHCM đã khởi công từ tháng 6/2023, đến nay xác định được 0,4/9,3 triệu m3 cát theo nhu cầu. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Tiền Giang thống nhất sẽ tham mưu hỗ trợ dự án Vành đai 3 TPHCM 6,3 triệu m3.

Nghiên cứu nhập cát từ Campuchia làm đường vành đai 3 TPHCM ảnh 1

Công trường thi công dự án đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM.

Đối với các dự án khác qua TPHCM như cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án thành phần Tân Vạn - Nhơn Trạch là các dự án phải hoàn thành trong năm 2025. Dù nhu cầu cát còn lại không lớn nhưng vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung.

Theo Bộ GTVT, hiện nay các dự án không áp dụng chính sách đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nên việc thực hiện các thủ tục theo thông lệ để cấp phép mới, gia hạn,… các mỏ nhằm cung ứng cho các dự án sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bộ GTVT cho rằng cần rà soát để cung ứng vật liệu cho dự án từ các tỉnh khu vực ĐBSCL.

Xem xét nhập cát từ Campuchia

Nguồn cát thương mại nhập khẩu từ Campuchia cũng đang được xem xét. Theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), hiện phía Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m3, thời gian khai thác trong 1 năm.

HoREA đề nghị UBND TPHCM làm đầu mối, làm việc với phía bạn để thực hiện các thủ tục, đồng thời giao cho một đơn vị doanh nghiệp quân đội phía Nam làm đầu mối ký hợp đồng để phân phối. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT xem xét xử lý, nếu khả thi thì đây là nguồn cung lớn cho các dự án. Tuy nhiên, Bộ GTVT đánh giá, việc nhập khẩu để cấp trực tiếp vật liệu cho dự án cần rà soát, thực hiện các thủ tục, liên quan đến nhiều bộ, ngành của hai nước.

Về nguồn cát biển, hiện nay Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3. Điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Bộ GTVT đã hoàn thành công tác thi công thí điểm và thông báo tới các tỉnh, thành phố kết quả đánh giá việc sử dụng cát biển làm nền đường giao thông để các địa phương căn cứ tổ chức triển khai; đồng thời có văn bản gửi các chủ đầu tư rà soát, tổng hợp nhu cầu sử dụng cát biển gửi UBND tỉnh Sóc Trăng để triển khai các thủ tục theo quy định.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo lập tổ công tác tháo gỡ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát đắp nền cho dự án Vành đai 3 TPHCM. Thành phần tổ công tác gồm: Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì, lãnh đạo bộ làm tổ trưởng), Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ công tác sẽ bắt đầu làm việc với các địa phương từ tuần sau.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ GTVT cùng các địa phương nghiên cứu khai thác cát tại các sông (ở Tiền Giang, Bến Tre) nhằm tạo nguồn cung cấp cát mới cho Dự án vành đai 3 TPHCM và các dự án trọng điểm khác. Các bộ báo cáo kết quả về Thủ tướng trước ngày 15/4. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tập trung hoàn thành thủ tục, sớm đưa vào khai thác cát trong quý II năm nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Bộ GTVT cùng các địa phương (Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh...) sớm công bố kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu cát đắp nền đường. Bộ GTVT, Bộ Xây dựng có trách nhiệm rà soát, công bố định mức, đơn giá cát biển làm cơ sở để các địa phương hoàn chỉnh thủ tục giao nhà đầu tư khai thác.

Về nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo kết quả nghiên cứu đàm phán nhập khẩu cát xây dựng và cát đắp nền từ nước bạn để xem xét, quyết định.

MỚI - NÓNG