Nghiên cứu nâng mực nước sông Hồng: Xây đập dâng phải đi kèm kiểm soát khai thác cát

0:00 / 0:00
0:00
TP - TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng, để giải quyết vấn đề tụt đáy sông Hồng, cần khẩn trương đưa ra giải pháp tổng thể, trong đó quan trọng nhất là quản lý nghiêm việc khai thác cát, kết hợp với giải pháp phi công trình, tính đến phương án xây dựng đập dâng ở sông Hồng như đề xuất của Bộ NN&PTNT.
Nghiên cứu nâng mực nước sông Hồng: Xây đập dâng phải đi kèm kiểm soát khai thác cát  ảnh 1
Mực nước sông Hồng bị cạn bởi đáy sông bị tụt so với trước đây. Ảnh: PV

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Hoàng Văn Thắng cho biết, hiện nay, lòng dẫn của sông Hồng, tức đáy sông, bị hạ thấp, chủ yếu do sông thiếu phù sa, bùn cát.

Theo nhiều nghiên cứu, trước đây, lượng phù sa, bùn cát về sông Hồng khoảng 100 triệu tấn/năm, nhưng hiện nay, do tác động của nhiều hồ phía thượng nguồn, mỗi năm, lượng bùn cát, phù sa về sông Hồng chỉ khoảng 7-8 triệu tấn/năm.

“Cùng với đó, lượng khai thác cát của chúng ta lại ở khoảng 30 triệu tấn/năm, nhiều hơn rất nhiều so với lượng cát về”, ông Thắng nói.

Nhiều hệ lụy khi sông Hồng tụt đáy

Ông có thể nói rõ hơn về tác động khi sông Hồng tụt đáy làm mực nước xuống thấp hơn so với trước đây?

Lượng phù sa, bùn cát về ít dẫn đến đáy sông bị hạ thấp. Để dễ hình dung, cùng một lượng nước xả hoặc kể cả lượng nước xả lớn hơn trước đây, mực nước sông đều bị thấp xuống. Hệ thống thuỷ lợi liên quan đến sông Hồng đầu tư rất nhiều tiền, khi mực nước sông bị hạ xuống, đều không còn tác dụng.

Để khắc phục tình trạng này, thường vào vụ Đông Xuân, dịp Tết, các hồ điều tiết, hồ thủy điện ở thượng nguồn phải xả nước để đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho cây trồng. Tùy từng năm, theo lượng mưa nhiều hay ít, lượng nước xả cũng được cân đối. Nhưng hệ lụy của việc này là ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của các thủy điện.

Một vấn đề khác, các sông thường lấy nước từ sông Hồng, khi không có nước chảy sẽ bị ô nhiễm. Ví dụ, sông Đáy về mùa khô không có nước, rất ô nhiễm, đứng bên cạnh là không chịu được. Một phần nguyên nhân là do chất thải làng nghề chưa qua xử lý xả vào sông, nhưng nguyên nhân chính là do không lấy được nước từ sông Hồng.

Các con sông lấy nước từ sông Hồng như sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bắc Hưng Hải đều bị ảnh hưởng khi sông Hồng không có nước. Không có nước chảy gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan bị thay đổi, làm mất an toàn hệ thống đê điều, gây nguy cơ xâm nhập mặn…

Theo ông, giải pháp để xử lý vấn đề này như thế nào?

Theo tôi, giải pháp đầu tiên phải nghĩ đến là quản lý khai thác cát. Lượng cát sông phải được quan trắc hằng năm; lượng khai thác phải nhỏ hơn lượng cát về. Nếu lượng về được 1 mà khai thác ở mức 3-4 thì tình hình ngày càng nghiêm trọng.

Thứ hai là khai thác chỗ nào, như thế nào cũng phải nghiên cứu rất khoa học. Hiện nay có nhiều luật điều chỉnh việc khai thác cát như Luật Giao thông đường thuỷ nội địa, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước… Phải nghiên cứu điều chỉnh cả các luật này. Thứ nữa, quy định về quản lý khai thác cát phải nghiêm minh, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát lậu…

Chúng ta cũng phải chú ý đến các giải pháp công trình để nâng mực nước lên. Đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc làm các đập dâng trên sông Hồng, theo tôi là cần thiết. Tuy nhiên khi làm đập, cần quan tâm vấn đề thoát lũ. Cần phải tính toán kỹ xây dựng ở chỗ nào, độ cao bao nhiêu, tránh ảnh hưởng đến vấn đề thoát lũ.

Việc xây dựng đập dâng cũng cần nghiên cứu kỹ về tác động môi trường. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cũng phải được tham khảo. Nhiều nước họ làm rất nhiều đập dọc sông, mình có đề xuất như vậy không? Một số ý kiến khác về xây dựng đập ở trên sông Đà, hoặc làm cống lấy nước từ hồ Hoà Bình cũng cần được nghiên cứu… Điều quan trọng nhất, theo tôi, cần khẩn trương đưa ra giải pháp tổng thể, một là quản lý việc khai thác cát, hai là nghiên cứu giải pháp công trình, nhưng phải có nghiên cứu đánh giá tác động.

“Chúng ta cần nghiên cứu cả các giải pháp phi công trình, như: nghiêm cấm đổ chất thải ra lòng sông; khai thác cát đúng quy định giúp phục hồi các dòng sông; tìm vật liệu thay thế cát…, cùng với việc nghiên cứu thực hiện các công trình cần thiết”.

Ông Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam

Giúp phục hồi cảnh quan môi trường

Việc xây dựng đập dâng này có ảnh hưởng đến quy hoạch sông Hồng hay không, đặc biệt liên quan đến vấn đề đảm bảo hành lang thoát lũ?

Tôi được biết, Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu rất kỹ, tham mưu Thủ tướng ký Quyết định 257 về quy hoạch phòng chống lũ cho sông Hồng, quy định phải đảm bảo mật độ xây dựng, bám theo các cột mốc quy hoạch phòng chống lũ. Việc xây đập dâng để nâng mực nước sông, theo tôi, có thể ảnh hưởng đến phòng, chống lũ, nhưng ở mức độ như thế nào, chấp nhận được hay không cần có nghiên cứu cụ thể.

Trước đây, lũ sông Hồng rất khủng khiếp, nhưng hiện nay, do có các hồ, đập ở thượng nguồn đã nâng cao được khả năng phòng, chống. Việc phát triển quy hoạch sông Hồng rất quan trọng, rất cần thiết; việc xây dựng đập dâng cũng cần tính toán khoa học, đảm bảo không mâu thuẫn với sự phát triển, quan trọng là đảm bảo khả năng phòng, chống lũ.

Theo tôi, việc nâng mực nước sông Hồng sẽ giúp phục hồi cảnh quan sông Hồng rất nhiều. Nhiều hệ thống sông lấy nước từ sông Hồng có dòng chảy thường xuyên sẽ giúp các địa phương giáp Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… cải thiện cảnh quan môi trường. Hiện nay, vào mùa khô, nhiều dòng sông cạn trơ đáy, người dân đổ nhiều chất thải nên ngày càng ô nhiễm. Nếu cứ để như vậy, nhiều dòng sông sẽ biến mất.

Vẫn như tôi nói ở trên, các giải pháp thực hiện phải tiếp cận trên cơ sở khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế. Nếu thực hiện được, nhiều dòng sông ở Hà Nội như sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy sẽ sống lại, phục hồi cảnh quan môi trường không chỉ cho Hà Nội mà cả vùng Thủ đô. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu làm mấy đập dâng, mà cần phải làm đề án tổng thể, liên ngành, liên vùng; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị. Như ở Hàn Quốc, họ có đề án cải thiện môi trường 4 con sông. Mình cũng cần có tầm nhìn như vậy.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.