Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, khi thảo luận ở tổ về Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, có ý kiến đề đại biểu nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện. Theo hướng, đảm bảo bình đẳng về chính sách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện để khuyến khích người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia vào BHXH tự nguyện. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung chế độ trợ cấp cho trẻ em nhằm tăng thêm quyền lợi người lao động có con nhỏ, hạn chế rút BHXH một lần.
BHXH tự nguyện sẽ có thêm gói linh hoạt với nhiều chế độ để người lao động tự do lựa chọn tham gia. |
Liên quan đến việc mở rộng các chế độ BHXH, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật - Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, theo luật hiện hành, chính sách BHXH bắt buộc gồm 05 chế độ (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất). Trong đó, các chế độ ngắn hạn đều do người sử dụng lao động đóng toàn bộ cho người lao động.
Chính sách BHXH tự nguyện, hiện có 3 chế độ, gồm chế độ là hưu trí và tử tuất (quy định tại Luật BHXH), và 1 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (quy định tại Luật An An toàn, vệ sinh lao động).
Để từng bước mở rộng BHXH tự nguyện thêm các chế độ khác, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu Đề án về gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt. Trong đó, sẽ có thêm chế độ ốm đau, thai sản và chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em, cho phép người lao động tự do chọn tham gia hoặc không để được hưởng thêm quyền lợi.
Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện đặc điểm, tính chất của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là thu nhập không ổn định, mặt bằng chung thấp hơn nhiều so với nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; được lựa chọn tham gia hoặc không tham gia, khả năng quản lý rủi ro, tránh trục lợi… Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo tính khả thi, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi chỉ bổ sung thêm chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.
Với BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, bên cạnh chính sách ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện thêm chế độ thai sản (gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con do ngân sách nhà nước đảm bảo, người lao động không phải đóng thêm so với hiện hành.
Liên quan đến chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất nội dung này. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Chính phủ quyết định chưa bổ sung nội dung này.
Nếu thêm chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em, theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phải có nguồn kinh phí đảm bảo tương đương từ 0,7% - 1,2% GDP. Nguồn kinh phí này sẽ phải tăng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động, điều này không phù hợp khi làm tăng chi phí, và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Trong khi nếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ chưa thể cân đối bố trí được. Nếu điều chỉnh từ các quỹ ngắn hạn khác không phù hợp, bởi xác định tỷ lệ đóng của các quỹ ngắn hạn đều đã tính toán đến việc cân đối quỹ, một số quỹ ngắn hạn hiện nay còn kết dư lớn là do chưa thực hiện đầy đủ chính sách đã quy định.
Chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em dù chưa được thực hiện toàn diện nhưng đã được lồng ghép quy định trong nhiều chế độ, chính sách khác, như: Trong BHXH là trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, giảm nghèo... Cụ thể, trợ cấp tối thiểu 160 nghìn đồng/trẻ/tháng với con công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp đang học mầm non (hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học); chính sách tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP hỗ trợ trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo...; Nhà nước đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…