Một nhóm sinh viên năm cuối ở Khoa Vật lý và Thiên văn tại Đại học Leicester, Anh, kết hợp hiểu biết rút ra từ truyền thuyết với nghiên cứu động lực học chất lưu để tìm ra thời gian ma cà rồng hút máu nạn nhân. Nghiên cứu của họ được công bố trên của Tạp chí Chủ đề Vật lý Đặc biệt nhân kỷ niệm 85 năm ra đời bộ phim về ma cà rồng "Dracula" (1931).
Các nhà nghiên cứu xem xét ma cà rồng có thể hút máu từ vết cắn trên cổ nạn nhân trong bao lâu trước khi sự mất máu dẫn đến những thay đổi trong nhịp tim. Họ dựa vào huyết áp và tốc độ của dòng máu ở động mạch cảnh ngoài, đường đi chính của máu chảy từ tim.
Nhóm tác giả nghiên cứu tạo ra phương trình tương đối đơn giản với những tham số không đổi như huyết áp. Theo họ tính toán, nạn nhân có thể mất tới 15% máu trước khi nhịp tim và huyết áp bị ảnh hưởng. Sau đó, họ ước tính thời gian ma cà rồng hút lượng máu đó khi nó chảy ra từ vết cắn nhỏ ở cổ họng.
Sau khi tính ra mật độ chất lỏng ở nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ phòng, các nhà nghiên cứu tập trung vào những thay đổi ở tốc độ dòng máu, từ khi rời khỏi tim, đến khi chia nhánh vào động mạch cảnh chính và đi vào động mạch cảnh ngoài. Cuối cùng, họ cân nhắc thêm kích thước của hai vết thương cỡ chấm nhỏ, nơi máu chảy ra.
Nhóm nghiên cứu kết luận ma cà rồng mất 6,4 phút để hút hết 15% máu trong cơ thể người, tức khoảng 0,75 lít từ tổng số 5 l ở cơ thể người lớn trưởng thành. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận nếu ma cà rồng hút mạnh hơn ở vết cắn, việc mất máu sẽ xảy ra nhanh hơn, khiến cho quá trình kết thúc sớm hơn.
Nghiên cứu này có thể không gắn với nhiều ứng dụng thực tiễn nhưng nó đóng vai trò như một công cụ giảng dạy cho các sinh viên, theo tiến sĩ Cheryl Hurkett, giảng viên tại Trung tâm Khoa học Liên ngành của Đại học Leicester.
Ma cà rồng là một sinh vật trong truyền thuyết, tồn tại bằng cách hút máu của người và động vật. Dù được ghi nhận trong nhiều nền văn hóa khác nhau, truyền thuyết ma cà rồng phổ biến nhất ở khu vực Balkan và Đông Âu.