Nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự phiên họp Ban chấp hành APPF - 26
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu dự phiên họp Ban chấp hành APPF - 26
TPO - Ban Chấp hành APPF-26 đã thông qua chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của APPF-26 với chủ đề chung là: Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững.

Chiều 18/1, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch APPF-26 đã chủ trì Phiên họp Ban Chấp hành APPF-26. Tham dự Phiên họp có các thành viên Ban Chấp hành đương nhiệm, gồm nước chủ nhà Việt Nam; Campuchia, nước chủ nhà APPF-27; Nhật Bản - Chủ tịch Danh dự APPF…

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Quốc hội Việt Nam rất vinh dự và vui mừng được APPF và các Nghị viện thành viên tín nhiệm giao trọng trách đăng cai tổ chức APPF-26. Sau thời gian chuẩn bị, với sự ủng hộ, hợp tác và hỗ trợ tích cực của các thành viên Ban Chấp hành APPF, mọi công việc chuẩn bị đã được hoàn tất. Tham dự APPF-26 lần này có các đoàn đại biểu Nghị viện của 21 quốc gia trong khu vực, kể cả nước chủ nhà Việt Nam, trong đó có 7 Chủ tịch Quốc hội, 10 Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tại Phiên họp, Ban Chấp hành APPF-26 đã thông qua chương trình nghị sự và chương trình hoạt động của APPF-26 với chủ đề chung là: Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững.

Về một số vấn đề liên quan, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, nhân dịp 25 năm hình thành và phát triển của APPF, cũng như thế giới và khu vực bước sang giai đoạn mới, chủ đề lần này của Hội nghị APPF-26 tập trung thực hiện Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững 2030, phát huy kết quả đã đạt được của Hội nghị Cấp cao APEC 2017 vừa qua tại Đà Nẵng, Việt Nam mà APPF lại là diễn đàn nghị viện hỗ trợ cho APEC.

Quốc hội Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch APPF-26 đã đưa ra dự thảo bản Tuyên bố Hà Nội - một Tuyên bố dấu ấn của APPF. Tuyên bố Hà Nội kế thừa những nguyên tắc và cam kết đã đề ra trong các tuyên bố dấu ấn khác của APPF, gần đây nhất là Tuyên bố Val Paraiso và Tuyên bố New Tokyo.

Tuyên bố APPF Hà Nội về Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương không chỉ ghi nhận những thành tựu, kết quả mà APPF đã đạt được trong 25 năm qua, mà còn định hình bối cảnh phát triển hiện nay, những thuận lợi, thách thức đối với APPF, từ đó đưa ra những nhiệm vụ với APPF, các Nghị viện thành viên nhằm đưa Diễn đàn đổi mới hơn, hoạt động hiệu quả hơn vì lợi ích chung của khu vực.

Với tinh thần đó, “ngoài nhiệm vụ thông thường là thảo luận 41 Nghị quyết, Thông cáo chung, thì việc thảo luận thông qua Tuyên bố Hà Nội - Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương sẽ là một nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị APPF-26”, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 nhấn mạnh.

Tại Phiên họp, một số thành viên Ban Chấp hành đã phát biểu, bày tỏ ủng hộ đề xuất về Tuyên bố APPF Hà Nội của Quốc hội Việt Nam; đóng góp một số ý kiến hoàn thiện bản Tuyên bố, trình Hội nghị xem xét, thông qua tại APPF-26, tạo dấu ấn mới cho chặng đường phát triển tiếp theo của APPF.

Về Ủy ban soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tính đến ngày 15/1 vừa qua, Ban Tổ chức đã nhận được 45 dự thảo Nghị quyết nêu nhiều vấn đề có liên quan đến chủ đề nghị sự của Hội nghị và 1 bản Tuyên bố.

Theo quy định của APPF, Ủy ban soạn thảo sẽ thành lập 4 nhóm công tác về hòa bình và an ninh, các vấn đề liên quan đến tội phạm xuyên biên giới; nhóm công tác về kinh tế, thương mại và hội nhập kinh tế khu vực; nhóm công tác về hợp tác khu vực (biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, hợp tác văn hóa và phát triển bền vững); nhóm công tác về bình đẳng giới.

Với sự đồng thuận của các thành viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, Ủy ban soạn thảo sẽ xem xét các dự thảo Nghị quyết không có nội dung trùng lắp và thảo luận về Tuyên bố Hà Nội, dự thảo Thông cáo chung.

Các nhóm công tác bao gồm đại diện các đoàn có dự thảo Nghị quyết về chủ đề tương tự sẽ họp với nhau, quyết định người chủ trì và xem xét thông qua các dự thảo Nghị quyết và chuyển lại Ủy ban soạn thảo. Các dự thảo Nghị quyết có chủ đề tương tự sẽ được gộp vào thành một văn bản chung.

Ủy ban soạn thảo dự kiến bắt đầu họp từ ngày mai, 19/1 như Chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 đề nghị các đoàn cử cho 1 – 2 đại biểu tham dự Ủy ban soạn thảo và các nhóm công tác.

Tiếp đó, Ban Chấp hành đã xem xét, thông qua chủ trương về sửa đổi Quy chế APPF liên quan đến Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF. Cụ thể, để đưa cơ chế này hoạt động phù hợp với Quy chế của APPF, Ban Tổ chức APPF-26 đã nhận được đề xuất của Nhật Bản, với vai trò đại diện cho Chủ tịch Danh dự APPF nhằm sửa đổi Quy chế APPF hiện hành, bổ sung những điều khoản liên quan đến Hội nghị Nữ Nghị sĩ APPF.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chấp hành nhất trí đề nghị đưa Quy chế sửa đổi này để thảo luận chi tiết tại Ủy ban soạn thảo, trình Hội nghị thông qua tại phiên họp toàn thể. Cũng tại phiên họp, các thành viên Ban Chấp hành đã thảo luận và thống nhất các quy trình, thời gian phát biểu tham luận của các đoàn đại biểu tại các phiên toàn thể; chương trình Phiên khai mạc và Phiên bế mạc Hội nghị APPF-26 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Các thành viên Ban Chấp hành APPF-26 hoan nghênh việc Quốc hội Campuchia sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-27 vào năm 2019.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân nhận thấy, với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm, khẩn trương, Ban Chấp hành APPF-26 đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch APPF-26 rất mong được sự ủng hộ và hợp tác của tất cả các thành viên. 

MỚI - NÓNG