Nghi vấn nhiều doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu

Hiện trường vụ bắt giữ tàu Giang Châu 01 (Trung Quốc) bơm trộm 1.350 tấn xăng sang tàu Việt Nam, có liên quan đến Vinapco Ảnh do Hải quan cung cấp
Hiện trường vụ bắt giữ tàu Giang Châu 01 (Trung Quốc) bơm trộm 1.350 tấn xăng sang tàu Việt Nam, có liên quan đến Vinapco Ảnh do Hải quan cung cấp
TP - Theo thông tin riêng của Tiền Phong, các cơ quan chức năng đang thu thập thông tin, kiểm tra tại các doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối để làm rõ hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu tạm nhập - tái xuất (TNTX). Một danh sách hơn chục đối tượng nghi vấn là đầu mối buôn lậu cũng đã được xác định.

> 25 tỷ đồng xăng dầu không hóa đơn chứng từ
> Bắt tạm giam hai người trong vụ Vinapco buôn lậu xăng

Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng thu thập xử lý thông tin (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cho biết, sau hai vụ buôn lậu bị bắt giữ tại Cty Vinapco, tình hình buôn lậu xăng dầu có vẻ chùng xuống. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ buôn lậu lớn, “nên có bắt, các đối tượng cũng chẳng sợ”.

Theo ông Thọ, sau khi việc TNTX xăng dầu qua đường biển bị tạm dừng từ tháng 9-2012, hải quan đã nắm bắt thêm thông tin về các phương thức, thủ đoạn buôn lậu khác.

“Hiện có nguồn tin cho biết có một số đối tượng mua xăng dầu trực tiếp từ tàu nước ngoài, mang về bán nội địa (buôn thẳng tàu - PV). Nhưng chúng tôi chưa đánh giá được mức độ”.

Sau khi phá hai vụ buôn lậu lớn, Cục Điều tra chống buôn lậu nhận định, tình hình buôn lậu xăng dầu qua hình thức TNTX có diễn biến hết sức phức tạp, có số lượng, quy mô tới hàng nghìn tấn, có tổ chức, với sự tham gia của nhiều đối tượng trong và ngoài nước.

Thậm chí có sự tham gia của một số cán bộ doanh nghiệp nhà nước. Trong vụ buôn lậu 420.000 lít xăng, ngoài một cán bộ của Vinapco và một cá nhân ở Hải Phòng bị khởi tố, phía hải quan đã xác định, có đủ chứng cứ chứng minh nhiều đối tượng bên ngoài có liên quan, đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ.

Ngoài tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu đã hoạt động TNTX xăng dầu trên đường bộ, nhất là các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc. Cơ quan hải quan đang nghi vấn DN không tái xuất, mà thẩm lậu tiêu thụ nội địa. Từ đó trốn thuế, gây nhiễu loạn thị trường.

Phát hiện thêm lỗ hổng mới

Một cán bộ điều tra của Tổng cục Hải quan cho biết, khi vây bắt trên biển, hải quan rất khó tiếp cận tàu xăng, do tàu dễ cháy nổ, được đổ nhớt lên sàn, đối tượng buôn lậu chống trả quyết liệt. Hơn nữa, bọn buôn lậu thường chuẩn bị sẵn bộ chứng từ “khống” hoặc quay vòng hồ sơ xịn để đối phó lực lượng chức năng.

“Nếu buôn lậu bài bản thì họ thường có bộ chứng từ thật. Còn không, họ làm giả bộ chứng từ của DN khác, rất khó xác minh”- vị cán bộ điều tra của hải quan nói.

Khi tái xuất xăng dầu qua đường bộ, việc giám sát hàng tái xuất đi cửa khẩu được cơ quan hải quan bàn giao cho DN, chủ hàng tự chịu trách nhiệm nên các đối tượng dễ dàng “qua mặt”, chở hàng đi tiêu thụ. Khi hàng đã về kho DN, đổ chung vào bồn chứa với các loại xăng dầu khác thì hải quan cũng khó kiểm tra.

Theo một nguồn tin, Thanh tra Chính phủ đang thanh tra hoạt động TNTX xăng dầu tại 6 DN kinh doanh đầu mối có nghi vấn. Cuối tuần qua, cơ quan này đã làm việc với Vinapco. Một danh sách hơn chục đối tượng nghi vấn đến hai vụ buôn lậu nên trên đã được cơ quan này xác định.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.