Nghĩ từ những xô lệch ở đường Lê Văn Lương-Kỳ cuối: Mong một ngôi nhà thuần Việt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sự thành công của công trình kiến trúc phải có sự kết hợp ăn ý, đồng thuận giữa cái tài, cái tâm của kiến trúc sư (KTS) và người quản lý - chủ đầu tư.

Nhớ thêm buổi Cụ Hồ gọi ông Nguyễn Hữu Đang (một trong những người sáng lập Hội truyền bá quốc ngữ) lên Bắc Bộ phủ truyền đạt cái việc phải dựng gấp một kỳ đài cho buổi mít tinh 2-9 tại Quảng trường Ba Đình. Khốn khổ cho vị nhân sĩ khi ấy thì biết chi đến kiến trúc cùng trang trí? Vậy mà chỉ trong 2 đêm một ngày, vâng lời ông Cụ, bằng cái tâm và cả tài khơi dậy và huy động cố kết được lòng người vào cuộc lo chung, Nguyễn Hữu Đang đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Một kỳ đài hoành tráng cho ngày ra mắt Tuyên ngôn độc lập xứng đáng đi vào lịch sử!

Nghĩ từ những xô lệch ở đường Lê Văn Lương-Kỳ cuối: Mong một ngôi nhà thuần Việt ảnh 1

Hội trường nơi họp Đại hội Đảng lần thứ II ở Chiến khu Việt Bắc

Cũng như vậy, trước thời điểm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 ở Điềm Mặc tại Chiến khu Việt Bắc. Đêm đã sâu lắm mà cứ thấy Bác trằn trọc đi ra đi vào. Người thư ký tâm phúc Vũ Đình Huỳnh được Cụ ngỏ cho nỗi băn khoăn là cái sự xây cất trang trí nội ngoại thất cho địa điểm tổ chức Đại hội.

Cụ Hồ đã ngồi với ông Vũ vợi một phần đêm để biết thêm về vài họa sĩ, KTS đi theo kháng chiến hiện có mặt ở chiến khu.

Nghĩ từ những xô lệch ở đường Lê Văn Lương-Kỳ cuối: Mong một ngôi nhà thuần Việt ảnh 2

Một khúc đường Lê Văn Lương

Ông Vũ Đình Huỳnh nhắc nhiều đến một KTS trẻ Tạ Mỹ Duật. Trước Cách mạng tháng Tám ông Duật hành nghề tự do, thường cộng tác với một số KTS Pháp. Ông có nhiều tác phẩm thiết kế các biệt thự được xây dựng ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa. Năm 1940 -1942, Tạ Mỹ Duật đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc: Giải Nhì phương án chùa Quán Sứ, Giải Nhì cuộc thi về ý tưởng thiết kế Khu Đông Dương học xá. Trong buổi tiệc trao giải thưởng kiến trúc Đông Dương học xá, viên Toàn quyền Jean - Decoux đã trao cho KTS Tạ Mỹ Duật số tiền thưởng 2.000 đồng tiền Đông Dương. Tạ Mỹ Duật đã trích tiền thưởng sắm một chiếc xe hơi Citroen…

Ngay sáng hôm sau, Tạ Mỹ Duật được Bác Hồ gọi lên…

Chú định liệu sao cho hợp…

Cụ Hồ chỉ vắn tắt vậy. Làm, tức là định liệu. Hợp là vừa với mình hợp với người.

KTS Tạ Mỹ Duật được toàn quyền điều hành công việc!

Ông như thứ phù thủy cao tay khoát hoạt giữa đám âm binh. Tre nứa, trúc mai vầu lá cọ bạt ngàn ở chiến khu khi ấy thoắt răm rắp hợp thành những điểm nhấn có lý ăn ý trong việc xây cất trang trí hội trường. Ngày khai hội, các đoàn khách trong nước, quốc tế xuýt xoa những lời khen rằng rất độc đáo và sáng tạo.

Sau này, cũng tại chiến khu Việt Bắc, Cụ Hồ cho gọi Tạ Mỹ Duật và đưa ra một bản thiết kế Khu Giao tế Trung ương ở ATK Thái Nguyên mà ai đó đã hoàn thành. Hai bác cháu chụm đầu hồi lâu. Rằng hay thì thật là hay nhưng hình khối này đường nét này vật liệu này… có lẽ chỉ thích hợp với không khí thời bình cùng điều kiện vật chất dư dả sung túc. Ông đã bộc bạch thẳng với Ông Cụ như vậy.

Chú có cách gì mới không?

Cách của KTS Tạ Mỹ Duật mà sau này có tài liệu liệt kê và tả lại.

Xin trích.

… Một tổng thể gồm đủ các loại nhà, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà khánh tiết, phòng căng tin… có đầy đủ tiện nghi và cũng không kém phần thẩm mỹ. Bàn ghế bằng trúc óng ả, lọ hoa bằng khúc gỗ khô, bức rèm phên thấm lọc ánh sáng dịu mắt, phản xạ qua khe lá…

Cũng nói thêm, ông thầy tôi, GS ngôn ngữ học Đinh Văn Đức gọi KTS Tạ Mỹ Duật là chú (KTS lấy dì ruột của thầy Đức). Không có duyên được gặp vị KTS tài ba nhưng nghe chuyện về ông thì ai cũng mê. Với tôi thì tiếc. Tiếc không phải mình không có duyên gặp! Mà bao nhiêu ý tưởng dự định tốt đẹp của vị KTS này đã để xổng để vuột mất.

Bây giờ, dường như các kiểu nhà ở đồng bằng miền xuôi miền núi từ đô thị phồn hoa cho tới những chốn thâm sơn cùng cốc có kiểu na ná hao hao? Nó toát lên vẻ đơn điệu, buồn tẻ. Còn nhà ở nông thôn thì như đoạn văn vần của bà con Việt kiều.

Mái bằng, mái bằng lại mái bằng/ Tôi đi như cá lạc trong đăng/ Năm mươi năm về thăm quê mẹ/ Cả làng là một cục xi măng!

Bao nuối tiếc và xót xa khi tiếp cận với di sản của KTS Tạ Mỹ Duật.

KTS thường cầm bút theo đơn đặt hàng, nhưng do lòng yêu nghề, do ý thức phục vụ, từ thời kháng chiến chống Pháp đến sau này, Tạ Mỹ Duật tự nghiên cứu thiết kế các mẫu nhà ở, công trình văn hóa xã hội ở nông thôn. Cuộc triển lãm “Mẫu nhà ở ít tầng” năm 1978 tại số 4 phố Tràng Thi (Hà Nội). Với khoảng 30 kiểu, tuy nét mực đã mờ phai, màu giấy đã ngả vàng song cũng thấy rõ những ngày ở chiến khu Tạ Mỹ Duật đã quan tâm nhiều đến cuộc sống nhân dân nông thôn.

Với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, phần lớn các kiểu nhà thiết kế bằng tre, gỗ, lá, tranh mây… song cũng có những kiểu nhà gạch ngói kiên cố, dự kiến xây dựng cho tương lai, khi cuộc kháng chiến thành công. Các kiểu nhà được thiết kế cho nhiều vùng nông thôn nước ta: nhà miền núi, trung du, đồng bằng. Nhà sàn đồng bào Tày, Nùng đã được tổ chức sắp xếp lại đáp ứng yêu cầu vệ sinh, sản xuất mới mà vẫn giữ được nếp sinh hoạt truyền thống.

Với khoảng 30 kiểu, tuy nét mực đã mờ phai, màu giấy đã ngả vàng song cũng thấy rõ những ngày ở chiến khu Tạ Mỹ Duật đã quan tâm nhiều đến cuộc sống nhân dân nông thôn.

Nhiều hơn cả là các kiểu nhà nông thôn vùng Đồng bằng Bắc bộ. Ngôi nhà ba gian, năm gian cổ truyền có phần chưa phù hợp với đời sống văn hóa và sản xuất. KTS đã trăn trở, suy tư đưa ra hàng chục kiểu nhà ở mới giản dị, đẹp, sáng sủa và rẻ tiền.

Trên cơ sở cơ cấu nhân khẩu các loại căn hộ, vật liệu của từng địa phương, KTS đã thiết kế các kiểu nhà có diện tích, mặt bằng và quy hoạch lô đất ở khác nhau. Có những kiểu nhà rất nên thơ như nhà bên hồ, nhà xoay quanh bể nước, nhà ở có phòng gia đình nhìn ra ba mặt xung quanh là hiên. Các mẫu nhà ở đều đã đề cập đến chỗ làm việc cho người lớn, nơi học tập cho trẻ em và tạo thành một không gian khép kín. Đó là những tìm tòi mới mà ngày nay đã trở thành xu hướng kiến trúc nhà ở của nước ta. Có thể nói cho đến nay mới chỉ có triển lãm cá nhân duy nhất của “KTS vì người nghèo” như Tạ Mỹ Duật.

Tiếp đó là 30 mẫu nhà ở nông thôn được thiết kế sau năm 1954.

Chao ôi, những nhà chức việc, những cơ quan có trách nhiệm quản lý, quản trị việc xây cất của quốc gia này nếu có chút tâm chút tài nghe và gẫm thêm những ý tưởng của vị KTS này và nhiều KTS có tài có tâm khác ở nước Nam này thì diện mạo phố xá Việt, làng quê Việt cung cách quần cư Việt có lẽ sẽ sinh sắc phong phú lên nhiều?

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa chỉ ra nhiều dự án sai quy hoạch, sai phép, thậm chí xây không phép! Nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần. Khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.