Nghị sĩ Mỹ kêu gọi ngăn Trung Quốc xây đảo ở biển Đông

Trung Quốc đang đơn phương nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông. Ảnh: IHS Jane’s Defense Weekly
Trung Quốc đang đơn phương nạo vét, xây dựng đảo nhân tạo trên biển Đông. Ảnh: IHS Jane’s Defense Weekly
TP - Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ vừa đề xuất Washington xây dựng chiến lược hành động cụ thể để làm chậm hoặc chấm dứt các hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên biển Đông.

Hãng tin Anh Reuters đưa tin, trong thư gửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Bob Corker cùng hai thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez cho rằng, nếu không có một chiến lược toàn diện thì “lợi ích lâu dài của Mỹ cũng như của các đồng minh và đối tác sẽ đứng trước nguy cơ bị đe dọa”.

Thư viết: “Trung Quốc đang cải tạo quy mô, kết cấu và đặc tính vật chất của các bãi đá. Đây là một thay đổi về chất rõ ràng được tính toán để thay đổi hiện trạng ở biển Đông”. Các thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng, Trung Quốc cải tạo đất và xây dựng ở quần đảo Trường Sa làm tăng tiềm năng mở rộng quân sự, không chỉ “thách thức trực tiếp với Mỹ và các nước khu vực, mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế”.

Theo các nghị sĩ Mỹ, bất kỳ toan tính nào của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo nhân tạo đều ẩn chứa “hậu họa nghiêm trọng”. Quân sự hóa các đảo sẽ là bàn đạp, giúp Bắc Kinh tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông, như từng tuyên bố năm 2013 trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản.


Tăng cường xoay trục

Lời kêu gọi của các thượng nghị sĩ Mỹ xuất hiện trong bối cảnh hải quân Mỹ vừa công bố báo cáo cập nhật Chiến lược hợp tác quyền lực biển thế kỷ 21 (CS 21), đặc biệt nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng châu Á, duy trì quyền thống trị đại dương của Mỹ. Phiên bản chiến lược cập nhật 2015 (phiên bản trước công bố năm 2007) trình bày việc sử dụng các chiến dịch của hải quân Mỹ nhằm bảo đảm quyền bá chủ đại dương của Mỹ, bao gồm chiến đấu chống cướp biển, khủng bố, kẻ thù… cũng như xử lý các thảm họa nhân đạo.

Tài liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một hạm đội ít nhất 300 tàu chiến, bao gồm 11 tàu sân bay, 33 tàu đổ bộ cỡ lớn, 14 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo… Đặc biệt, hải quân Mỹ đang nhắm tới sở hữu một lực lượng xung kích 120 chiến hạm vào năm 2020 (hiện nay có 97 chiếc) và có thể triển khai chúng dù “vấn đề xảy bất cứ ở đâu, vào bất kỳ lúc nào”.

CS 21 khẳng định chiến lược “tái cân bằng” 60% lực lượng hải quân và không quân tới châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương vào năm 2020. Trong khi đó, duy trì nhóm tàu sân bay tấn công, không quân và lực lượng đổ bộ thường trực tại Nhật Bản; bổ sung một tàu ngầm tấn công vào nhóm tàu ngầm sẵn sàng chiến đấu tại Guam; tăng số lượng tàu tác chiến ven bờ đóng tại Singapore lên 4 chiếc.

CS 21 coi sự nổi lên của hải quân Trung Quốc như một yếu tố chủ chốt trong khu vực, nhất là trong bối cảnh nước này tiếp tục lao vào nhiều tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với các nước Đông Nam Á ở biển Đông. Mỹ cáo buộc Trung Quốc châm ngòi căng thẳng thông qua các đợt tuần tra, tập trận hải quân, xây đảo nhân tạo…

Nhằm cải thiện vị thế của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, báo cáo đề xuất củng cố các liên minh với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, trong khi nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ và Myanmar. Báo cáo cũng liệt Nga, Iran, Triều Tiên vào danh sách những nước đặt ra thách thức an ninh hoặc nguy cơ ảnh hưởng các lợi ích Mỹ.

MỚI - NÓNG