Nghị sĩ Hong Kong ném nước bẩn trong phiên thảo luận về luật quốc ca

Lực lượng an ninh áp giải nghị sĩ Raymond Chan vì rời khỏi ghế ngồi. (Ảnh: SCMP)
Lực lượng an ninh áp giải nghị sĩ Raymond Chan vì rời khỏi ghế ngồi. (Ảnh: SCMP)
TPO - Hôm nay, phiên thảo luận của cơ quan lập pháp Hong Kong phải dừng lại sau khi một nghị sĩ của phe phản đối hất chất lỏng có mùi hôi về phía chủ tịch.

Cơ quan lập pháp Hong Kong (Legco) dự kiến hôm nay tiến hành cuộc bỏ phiếu về dự luật quốc ca để mở đường cho việc trừng phạt những hành vi xúc phạm quốc ca của đại lục. 

Lúc khoảng 1h chiều (giờ địa phương), hai nghị sĩ Eddie Chu Hoi-dick và Raymond Chan Chi-chuen rời khỏi ghế ngồi. Ông Chu ném chai chứa chất lỏng màu vàng về phía ghế chủ tịch. 

Bà Starry Lee Wai-king, người đang chủ trì phiên thảo luận, yêu cầu hai nghị sĩ rời khỏi phòng họp, rồi họ bị lực lượng an ninh áp giải ra ngoài. 

Ở bên ngoài, ông Chu nói rằng chất lỏng đó là phân bón sinh học. Ông nói chất lỏng này giống loại mà nghị sĩ Ted Hui Chi-fung thuộc đảng Dân chủ ném trong phòng họp của cơ quan lập pháp vào tuần trước Còn ông Hui nói rằng chất lỏng đó là từ thực vật thối rữa. 
Chu nói rằng ông làm như vậy để phản đối dự luật quốc gia. 

Dự luật về về sử dụng và hát quốc ca Trung Quốc sẽ cho phép trừng phạt những ai sỉ nhục quốc ca bằng hình thức phạt tù lên đến 3 năm và phạt tiền lên đến 50.000 đô la Hong Kong (khoảng 150 triệu đồng). 

Dự luật quy định “tất cả các cá nhân và tổ chức” phải tôn trọng và thể hiện một cách trang nghiêm quốc gia, thể hiện và hát quốc ca “trong những dịp phù hợp”. 

Dự luật cũng quy định học sinh tiểu học và trung học cần được dạy hát quốc gia, cùng với lịch sử và quy tắc ứng xử. 

Căng thẳng gia tăng ở Hong Kong sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép chính quyền trung ương ban hành luật an ninh quốc gia mới ở đặc khu này để xử lý các hành vi ly khai, lật đổ và can thiệp của nước ngoài. 

Bước đi này vấp phải chỉ trích của Mỹ, Anh, Úc và Canada, cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức kinh tế. 

Phe ủng hộ người biểu tình Hong Kong cho rằng dự luật về quốc ca là dấu hiệu mới nhất cho sự gia tăng can thiệp của Bắc Kinh.

Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc từ năm 1997 với bảo đảm của Bắc Kinh rằng những quyền tự do cốt lõi và lối sống của thành phố này sẽ được bảo vệ theo công thức “một đất nước, hai chế độ”. 

Theo Theo SCMP, Reuters
MỚI - NÓNG