Xuyên suốt mục tiêu an sinh xã hội
Nghị quyết 28 đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia. Các chính sách quan tâm đích đáng hơn tới nhóm người lao động khu vực phi chính thức, nông dân tham gia BHXH, vốn chưa được quan tâm nhiều trước đây, với mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 45% lực lượng lao động trong nhóm này tham gia BHXH.
Nghị quyết 28 đã thể hiện mục tiêu bao phủ các chế độ BHXH tới tất cả người dân trong độ tuổi lao động, an sinh bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Để triển khai Nghị quyết 28, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản để triển khai, qua đó khẳng định chính sách BHXH là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội.
Trong 3 năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động đưa Nghị quyết 28 vào cuộc sống, với nhiều chương trình hành động, kế hoạch, hướng dẫn đã được ban hành. BHXH Việt Nam cũng chủ động phối hợp với các bộ ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan truyền thông... để tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện để người dân hiểu và tham gia; củng cố mạng lưới đại lý thu BHXH; đa dạng các dịch vụ đóng - hưởng...
Tất cả cơ quan BHXH đã chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai Nghị quyết 28 tại địa phương; đưa việc triển khai BHXH, BHYT thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội... Hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT và mạng lưới cộng tác viên được mở rộng.
Đến nay, đã có trên 12.400 đại lý với hơn 37.300 điểm thu, trên 52.200 nhân viên. Hệ thống đại lý thu được phủ khắp đến từng xã/phường, mạng lưới cộng tác viên tới từng thôn, bản, tổ dân phố để đưa chính sách tới gần người dân nhất. Với các giải pháp đó, độ bao phủ BHXH không ngừng tăng, đặc biệt với BHXH tự nguyện.
Giai đoạn 2008-2018, số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt 280.000 người, riêng năm 2019 (Nghị quyết 28 được triển khai), số người tham gia loại hình bảo hiểm này đạt gần 300.000 người (bằng 11 năm trước đó cộng lại).
Từ năm 2020 đến nay, dù ảnh hưởng dịch COVID-19, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn vượt 1,12 triệu người, vượt mục tiêu Nghị quyết 28 đặt ra. Dù ảnh hưởng dịch COVID-19, BHXH Việt Nam luôn thực hiện kịp thời, linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT; tăng cường giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, phát triển ứng dụng VssID - BHXH số.
BHXH thành trục cột hệ thống an sinh
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam |
Dù đã đạt được những đột phá bước đầu, nhưng thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định. Có thể kể ra đây như, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc; chính sách BHXH chưa bao phủ tới một số nhóm có nhu cầu, khả năng nhưng chưa được luật hoá, như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương...; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn; người nhận BHXH một lần tiếp tục tăng; tình trạng trốn, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT còn xảy ra ở nhiều địa phương...
Đặc biệt, người tham gia BHXH mới đạt trên 16 triệu người (chiếm 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi). Tức còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động (chiếm khoảng 67,7% lực lượng lao động) chưa tham gia BHXH. Khoảng trống này có nguy cơ tạo ra một lượng lớn người hết tuổi lao động không có lương hưu, tạo gánh nặng lên gia đình, xã hội.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, cắt giảm lao động... sẽ gây không ít khó khăn, thách thức cho việc mở rộng BHXH. Do đó, thời gian tới cần sớm cải cách để BHXH thật sự trở thành mạng lưới an sinh bao phủ toàn dân.
Triển khai Nghị quyết 28, thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể, sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; giảm điều kiện đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm; đề xuất thêm chế độ, tăng mức hỗ trợ từ nhà nước với người tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các bộ ngành, địa phương, cơ quan truyền thông để đẩy mạnh truyền thông chính sách. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ nhân viên để chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Tới hết năm 2020, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khoảng 3,2 triệu người; trên 990.000 người hưởng các chế độ trợ cấp một lần; trên 9,8 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, phục hồi sức khỏe; chi trả trợ cấp thất nghiệp cho trên 1 triệu người.