Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Nghị định quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ngày 30/3/2018, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định 49/2018/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2018.

Theo đó, Nghị định quy định về: Điều kiện, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đình chỉ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;

Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; cấp, cấp lại, thu hồi thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Cấp, thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định quy định 1 điều kiện kinh doanh (điều kiện cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp), nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.

Nghị định không quy định về điều kiện và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp mà chỉ quy định điều kiện kinh doanh áp dụng theo hình thức giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Tinh thần của Nghị định hướng tới đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Các tổ chức kiểm định chủ động trong hoạt động chuyên môn. Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giám sát theo hình thức hậu kiểm.

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục xây dựng, ban hành “Thông tư quy định về quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, hướng dẫn đánh giá tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Bộ sẽ ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế về kiểm định chất lượng, đồng thời tranh thủ các nguồn lực trong nước và nước ngoài để đến năm 2020, 2030, như:

Hình thành mạng lưới các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Phát triển đội ngũ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý các cấp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Kiểm định và công bố công khai kết quả kiểm định chất lượng với mục tiêu đến năm 2020 với tất cả trường nghề trong danh sách trường chất lượng cao, 50% trường cao đẳng, 30% trường trung cấp, 10% trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 60% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm. Mục tiêu đến năm 2030, nâng lên với tất cả trường cao đẳng, trung cấp, 70% trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 90% chương trình đào tạo các ngành, nghề trọng điểm.

MỚI - NÓNG