Nghi có 'bảo kê' vụ Seven.Am, Tổng cục Quản lý thị trường nói gì?

Sai phạm của Seven.Am diễn ra thời gian dài nhưng không hiểu vì sao không bị quản lý thị trường phát hiện, xử phạt?
Sai phạm của Seven.Am diễn ra thời gian dài nhưng không hiểu vì sao không bị quản lý thị trường phát hiện, xử phạt?
TPO - Theo Tổng cục Quản lý thị trường, việc xử lý vi phạm hành chính 170 triệu đồng với chuỗi thời trang Seven.Am mới chỉ là bước đầu. Vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc Tổng cục Quản lý thị trường (Tổng cục QLTT) công bố 4 sai phạm và xử phạt chuỗi thời trang Seven.Am tổng cộng 170 triệu đồng, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt này không đủ sức răn đe, không đủ mạnh để ngăn cản việc họ tái phạm, cũng như tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, nhãn mác là thứ thể hiện về thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ và cũng là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước quản lý đối với sản phẩm.

Hàng hóa từ các nước khác được nhập về cần phải được tôn trọng về quyền xuất xứ, sở hữu trí tuệ. Cách giải thích “cắt mác vì khách hàng kêu ngứa” của Seven.Am theo ông Doanh là ngụy biện, thiếu thuyết phục. Rõ ràng ở đây đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

"Tôi không hiểu, việc sửa chữa thông tin ở nhãn mác với thương hiệu hiệu thời trang là hành vi gì; nhằm mục đích gì? Công ty MHA này đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi cắt mác Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ sửa chữa. Những lùm xùm liên quan đến thương hiệu này, theo tôi bản chất rất giống với vụ Khaisilk, cần có sự giải đáp thấu đáo từ Tổng cục QLTT", ông Doanh đặt vấn đề.

Nguyên Viện trưởng CIEM thắc mắc khi những vụ việc này ngày càng nhiều và có dấu hiệu sai phạm khá nghiêm trọng. Nhưng tại sao một doanh nghiệp hoạt động lâu như thế và có quy mô không nhỏ mà chỉ đến khi báo chí, người tiêu dùng phản ánh, các cơ quan quản lý thị trường mới vào cuộc? Vậy suốt thời gian qua, các cơ quan này đã kiểm tra doanh nghiệp bao nhiêu lần? Tại sao không phát hiện sai phạm? Các cơ quan này đã hoạt động thế nào?

Trước nghi vấn nêu trên, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường khẳng định không có chuyện bảo kê, bao che cho các sai phạm. “Sự việc vẫn tiếp tục được xác minh, làm rõ và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường cho biết.

Theo cơ quan này, việc xử lý vi phạm hành chính 170 triệu đồng mới chỉ là bước đầu. Tổng cục Quản lý thị trường đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty Cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ theo phản ánh của báo chí.

Nghi có 'bảo kê' vụ Seven.Am, Tổng cục Quản lý thị trường nói gì? ảnh 2 Trả lời của ông Đặng Quốc Anh về các phát ngôn của diễn viên Hải Anh liên quan Seven.Am

Bên cạnh đó, theo Tổng cục quản lý thị trường, kết quả xác minh cho thấy, ông Nguyễn Vũ Hải Anh không phải là cổ đông, không chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh. 

Trong một diễn biến khác, việc diễn viên Hải Anh không còn liên quan cũng được ông Đặng Quốc Anh – Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần MHA xác nhận.

“Từ 15/12/2018, tức cách đây gần 1 năm, ông Hải Anh đã không còn là cổ đông của công ty nên hiện nay, ông ấy không phải là đại diện phát ngôn của Công ty Cổ phần MHA và thương hiệu Seven.AM”, ông Đặng Quốc Anh trả lời báo chí.

Trước đó, Tổng cục QLTT công bố  kết quả xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm tại chuỗi thời trang thương hiệu Seven.Am.

Theo đó, chuỗi thương hiệu này mắc 4 lỗi vi phạm gồm: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định; không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Toàn bộ số hàng hóa mang nhãn hiệu Seven.Am do Công ty CP MHA chịu trách nhiệm và phân phối. Sản phẩm váy, quần áo được sản xuất tại Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh, có địa chỉ tại tầng 4 - tầng 5 tòa nhà 135 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Kết quả kiểm tra cho thấy, thời điểm năm 2017 và 2018, công ty có nhập khẩu trực tiếp một số mặt hàng là ba lô, túi, ví, giày, dép, dây lưng từ Trung Quốc của Công ty TNHH Guangxi PingXiang Zhenguan Import & Export Trading co. LTD nhưng đã bán hết.

Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ là đơn vị được Công ty CP MHA nhượng quyền kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu Seven.AM. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh trên đang kinh doanh các sản phẩm quần, áo, váy, ví, túi các loại mang thương hiệu Seven.AM do Công ty CP MHA chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.