Nghi án thảm sát bằng khí độc ở Syria: LHQ vào cuộc

Nghi án thảm sát bằng khí độc ở Syria: LHQ vào cuộc
TP - Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc hôm qua lên đường đến những địa điểm được cho là xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria.

> Syria cho phép điều tra ‘vũ khí hóa học’
> Đâu là 'lằn ranh đỏ' cho thế hệ Syria bị 'đánh cắp'?

Trong khi đó, các cường quốc phương Tây kêu gọi cần hành động quân sự để trừng phạt đối tượng gây ra thảm họa tàn sát bằng khí độc tồi tệ nhất thế giới trong vòng 25 năm qua.

Syria hôm chủ nhật đồng ý để các thanh sát viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đến kiểm tra các địa điểm. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh nói rằng, bằng chứng có thể đã bị phá hủy bởi đợt pháo kích dữ dội của quân chính phủ vào khu vực ngoại ô thủ đô suốt 5 ngày qua.

Phái đoàn 20 chuyên gia LHQ đã có mặt tại Syria từ hôm 18/8 để điều tra cáo buộc về 3 vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trước đó. Họ sẽ lấy mẫu đất, máu, nước tiểu và tế bào từ 5 địa điểm để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Các nhà phân tích cho rằng, nhóm chuyên gia khó có thể làm rõ ai đứng sau vụ tấn công.

Số thường dân tử vong vì bạo lực ở Syria tăng thêm vài trăm người mỗi ngày. Các nhà hoạt động quốc tế cho rằng, đợt tấn công bằng khí độc vừa qua giết chết 500 - 1.000 người, trở thành thảm họa tấn công vũ khí hóa học tồi tệ nhất từ khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein cho tấn công bằng hơi độc khiến hàng nghìn người Kurd ở thị trấn Halabja của Iraq thiệt mạng năm 1988.

Một số tổ chức, cá nhân Mỹ cho rằng, quân đội Syria đứng sau vụ tấn công khiến ít nhất 300 người chết ở vùng đông Damascus (hiện do quân nổi dậy kiểm soát).

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố, những cáo buộc cho rằng lực lượng của ông dùng vũ khí hóa học để tấn công là mang động cơ chính trị và cảnh báo Mỹ không nên can thiệp vào đất nước mình.

“Liệu có quốc gia nào dùng vũ khí hóa học hay bất kỳ vũ khí sát thương hàng loạt nào ở nơi mà chính lực lượng của mình đang tập trung không? Điều đó đi ngược lại logic căn bản. Vì thế, những cáo buộc kiểu này hoàn toàn mang động cơ chính trị”, ông Assad phát biểu với báo Nga Izvestia.

“Thất bại đang chờ đợi nước Mỹ giống như các cuộc chiến trước mà họ can dự, bắt đầu từ Việt Nam và kéo dài đến tận ngày nay… Nếu ai đó mơ tưởng biến Syria thành con rối của phương Tây thì điều đó sẽ không xảy ra”, ông Assad nói.

LHQ cho biết, Damascus đồng ý ngừng bắn trong thời gian các chuyên gia của tổ chức này kiểm tra các địa điểm. Các nhà hoạt động nói rằng, quân nổi dậy cũng đồng ý ngừng bắn và cử vài lữ đoàn bảo vệ cho đội chuyên gia của LHQ.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của LHQ hôm qua cho biết một xe chở chuyên gia của họ bị các tay súng bắn tỉa chưa xác định bắn hỏng, trong lúc họ đang tới địa điểm được cho là xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Các cường quốc chia rẽ

Nội chiến ở Syria ngày càng leo thang, đến nay giết chết hơn 100.000 người, làm dấy lên bạo lực phe phái trong khu vực và làm sống lại sự chia rẽ từ thời Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc phương Tây với Nga và Trung Quốc.

Washington ngày càng bị thúc giục phải hành động đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học giữa tuần trước, xảy ra một năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ bị coi là “lằn ranh đỏ” dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Mỹ. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, ông Obama vẫn chưa quyết định cách phản ứng với Syria.

Thượng nghị sĩ Bob Corker thuộc đảng Cộng hòa cho rằng, ông Obama sẽ hỏi ý kiến Quốc hội Mỹ về việc sử dụng vũ lực khi các nhà làm luật họp vào tháng tới.

Washington gần đây tăng cường hiện diện hải quân ở vùng đông Địa Trung Hải, còn giới chức quân sự Mỹ, Anh và các đồng minh sắp họp ở Jordan.

Theo nguồn tin quân sự Israel, Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang xem xét ba phương án phá hủy kho vũ khí hóa học ở Syria. Trước khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Syria, nhiều người Israel đề nghị được cấp mặt nạ phòng độc.

Hiện nay, Hội đồng Bảo an LHQ vẫn chia rẽ về vấn đề Syria, khi Trung Quốc và Nga khó có khả năng chấp nhận biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn chống lại chính quyền Assad. Nga, nước cung cấp vũ khí chính cho chính quyền Syria, nói rằng, quân nổi dậy có thể đứng sau vụ tấn công lần này và nếu vội vàng kết luận ai phải chịu trách nhiệm sẽ dẫn tới “sai lầm thảm họa”.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua nói rằng, nước này lo ngại khả năng Mỹ phản ứng quân sự và thúc giục Washington kiềm chế không “khiêu khích”. Trong khi đó, Iran cảnh báo Mỹ sẽ gặp “hậu quả tàn khốc” nếu can thiệp vào Syria.

Pháp hôm qua nói rằng, họ vẫn chưa quyết định có hành động quân sự hay không. Nhấn mạnh các thách thức ngoại giao trong việc đạt được một thỏa thuận quốc tế, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng, Nga và Trung Quốc có thể sẽ phủ quyết bất kỳ quyết định nào của Hội đồng Bảo an LHQ nhằm tấn công chính quyền Assad, nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào Syria cũng có khả năng vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, vẫn có thể phản ứng mà không cần sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an.

Thổ Nhĩ Kỳ, nước từng ủng hộ ông Assad, nay hỗ trợ lực lượng đối lập, nói rằng họ sẽ tham gia bất kỳ liên minh quốc tế nào ngay cả khi LHQ không thông qua. Nếu nhóm chuyên gia của LHQ tìm thấy bằng chứng độc lập về vụ tấn công vừa qua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nỗ lực ngoại giao quốc tế trong việc can thiệp vào Syria.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.