Ban đầu tự hào vì có được người yêu luôn quan tâm, sau Linh (Phú Nhuận, TP HCM) ngày càng khổ sở vì phải sống trong vòng phong tỏa của chàng. Người yêu Linh kinh doanh tự do nên khá chủ động về thời gian. Cô đi làm hay đi gặp bạn, chàng đều nhận phần đưa đón và sẵn sàng ngồi một góc xa để chờ. Khi nào không đi cùng nhau thì Linh luôn được "dội bom" bằng tin nhắn và điện thoại. Nếu lỡ điện thoại hết pin hay ngoài vùng phủ sóng thì sau đó cô gái sẽ nhận được một trận cuồng phong từ anh.
"Anh ấy yêu mình nên mới lo lắng như thế", Linh bào chữa cho người yêu, kể cả khi cô bị chì chiết vì không trả lời điện thoại ngay. Tuy nhiên, khi chàng cấm Linh đi công tác một tuần ở Hàn Quốc thì cô không chịu nổi nữa. "Đây không chỉ là chuyến xuất ngoại đầu tiên mà còn là cơ hội để em thể hiện năng lực trong công việc", Linh ấm ức.
Cũng từng hãnh diện vì được người yêu chăm sóc chu đáo, Nguyên kỹ sư một công ty xây dựng tại TP HCM, giờ chỉ muốn đi thật xa để thoát khỏi tình yêu của nàng. Thời mới yêu, chàng hạnh phúc vì được nàng lo từng bữa ăn giấc ngủ. Ngày nào, nàng cũng đến phòng trọ của chàng dọn dẹp, nấu nướng. Bàn chải sau hai tháng được nàng thay, khăn mặt chỉ xỉn màu một chút ngay lập tức được đổi mục đích sử dụng.
Sau một lần Nguyên ốm, để tiện cho việc chăm sóc, người yêu dọn về sống chung. Cô tham vọng uốn nắn để Nguyên vốn sống xuề xòa, nghệ sĩ trở nên gọn gàng. Sợ chàng uống bia rượu nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, nàng đi theo trong các bữa nhậu với bạn bè và ngăn cản anh uống ngay trước mặt mọi người. Nguyên dần ngán ngẩm vì bị người yêu quản như mẹ quản con. Chàng kiếm cớ xin đi công tác để nàng khỏi đeo bám.
Nhiều người kiểm soát và "khủng bố" người yêu bằng cách bom tin nhắn - Ảnh: BBC
Chia sẻ trong buổi sinh hoạt mới đây của CLB Tiền hôn nhân (Trung tâm truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM), chuyên gia hôn nhân và gia đình Đặng Thị Tố Phương cho rằng trong tình yêu, việc quan tâm, chăm sóc nhau là một nhu cầu cho đi - nhận lại. Ai cũng mong muốn được người yêu quan tâm đến mình đúng nơi, đúng lúc, đúng việc. Sự quan tâm giữ cho tình yêu chung thủy, bền vững và tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu sự quan tâm trở nên quá mức sẽ biến thành sự kiểm soát, khiến cả hai đều mệt mỏi, mất tự do. Lúc ấy, tình yêu sẽ suy giảm.
Còn theo chuyên gia tâm lý Đào Trọng Mão của Tổng đài tư vấn 1088 Bưu điện TP HCM, việc kiểm soát người yêu phần nhiều xuất phát từ tư tưởng chiếm hữu, cho rằng khi yêu thì người yêu là sở hữu của ta. Việc kiểm soát thể hiện sự thiếu tin tưởng người ấy và tình yêu của mình. Người kiểm soát có thể thấy hành động của mình là bình thường, nhưng người bị kiểm soát không thích và thấy mình không được tôn trọng. Việc kiểm soát quá mức có thể dẫn đến cái kết không đẹp.
Cả hai chuyên gia đều chung quan điểm, thường thì mức độ kiểm soát người yêu của nam giới cao hơn phụ nữ. Nam giới dễ trở thành "cai ngục trong tình yêu" hơn nữ giới, bởi bản chất của đàn ông là thích được kiểm soát. Các bạn gái vốn xem nhẹ các dấu hiệu này, cho rằng đó là biểu hiện của tình yêu mà không biết mình đang trở thành nạn nhân. Thời xưa, "tam tòng", phụ nữ phụ thuộc tất cả vào đàn ông, phải nghe theo mọi yêu cầu của đàn ông. Xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng thì quan điểm ấy không thể tồn tại. Trong khi đàn ông thường thể hiện sức mạnh thậm chí cả bạo lực khi kiểm soát người yêu thì nhiều cô gái lại áp chế người yêu bằng sự chu đáo ân cần.
Nhiều người khó chịu khi bị người yêu kiểm soát nhưng vẫn chấp nhận và hy vọng sau khi cưới sẽ "dễ thở" hơn, đó là một quan niệm sai lầm. Thực tế, sau kết hôn, mức độ kiểm soát còn cao hơn. Chuyên gia Trọng Mão lý giải, bởi kết hôn giúp mối quan hệ được xã hội và pháp luật thừa nhận, người ta thấy cái quyền sở hữu của mình cao hơn nên mức độ kiểm soát sẽ càng tăng lên. Còn theo kết quả một cuộc khảo sát mà chuyên gia Tố Phương từng thực hiện với 100 người đã kết hôn với người yêu từng là "cai ngục", sau khi kết hôn, sự kiểm soát, chiếm hữu ấy càng tăng lên, biến gia đình thành địa ngục.
Nhiều người đã phải chạy trốn địa ngục đó bằng một lá đơn ly dị như trường hợp của chị Thanh Hằng (Hà Nội). Thời hẹn hò, bạn bè chị từng trêu người yêu chị là "cảnh sát" vì anh thường xuyên hỏi thăm họ để biết chị đang làm gì, ở đâu. Là một kỹ sư công nghệ thông tin, khi mua laptop cho người yêu, anh cài thêm phần mềm theo dõi chị từ xa. Đôi khi mệt mỏi vì bị người yêu theo dõi nhưng vì tình yêu quá lớn, chị lên xe hoa với anh. Kết hôn xong, chị gần như không còn bạn bè, bởi anh không muốn vợ giao du bên ngoài, kể cả mấy cô bạn thân của chị mà trước đây anh vẫn gọi điện để hỏi thông tin người yêu. Lần họp lớp kỷ niệm 10 năm ra trường, chị phải nhờ bạn gái đến đón để chồng không ghen. Lúc được các bạn đưa về nhà, chị bị anh mắng ngay trước cửa vì đã không để ý điện thoại anh gọi trong lúc mải hát karaoke.
Chuyên gia Tố Phương nói: "Đừng hy vọng sẽ thay đổi được 'cai ngục' sau khi đi đến hôn nhân, bởi khi bạn đã thật sự thuộc về người đó, bạn sẽ không thể nào 'cựa quậy' nổi trong cái nhà tù mà họ đã xây lên để 'nhốt' bạn vào". Cách tốt nhất là bạn phải triệt tiêu tư tưởng kiểm soát của người yêu ngay từ khi nó manh nha xuất hiện. Theo bà, ngay khi thấy người yêu có những dấu hiệu của "cai ngục", bạn cần phải bày tỏ quan điềm và cảm xúc của mình, để người yêu hiểu cảm giác của bạn khi bị kiểm soát như thế. Bạn cần khẳng định tình yêu của mình trong sự tôn trọng nhau. Cho người ấy biết bạn cảm thấy tồi tệ khi bị nghi ngờ, ghen tuông, kiểm soát; bạn ngộp thở trong mối quan hệ này.
Bạn nên nhớ mình có hạnh phúc thì mới đem hạnh phúc đến cho người mình yêu. Nếu thấy sự quan tâm đã biến thành kiểm soát, mối quan hệ trở nên ngột ngạt, hãy tạm thời dừng mối quan hệ, suy ngẫm kỹ càng xem bạn có thật sự cần một người yêu như vậy? Mối quan hệ này đem lại cho bạn điều gì: hạnh phúc hay sự ngột ngạt. Đánh giá chính xác tình cảm của họ dành cho bạn là tình yêu hay sự chiếm hữu? Hãy làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống hiện tại với mối quan hệ ấy.
Đặc biệt bạn cần giữ sự độc lập trong cuộc sống bởi khi bạn phụ thuộc cảm xúc, tiền bạc, quan điểm sống... vào người yêu, chính bạn đã đẩy mình vào vị trí nạn nhân. Hãy tin vào chính mình, độc lập thì bạn mới kiểm soát được cảm xúc, tình yêu cũng như cuộc sống của chính mình.
Bạn cũng đừng bao giờ trở thành nô lệ tình dục. Nếu bạn đã có quan hệ tình dục với người yêu, tuyệt đối không để người ta lợi dụng điều này và kiểm soát. Hãy đặt ra các quy tắc cho việc này để họ không điều khiển được bạn.
Khi bạn đã làm tất cả để người ấy nhận ra tình yêu là sự tin cậy, tôn trọng chứ không phải kiểm soát nhau nhưng vẫn không có kết quả; đừng tự biến mình thành vật sở hữu. Hãy mạnh dạn chấm dứt mối quan hệ ấy. Mối quan hệ sẽ không mang lại điều tốt đẹp cho bạn khi bị kiểm soát, sở hữu, điều khiển. Bạn sẽ không bao giờ có được sự tôn trọng, bình đẳng trong mối quan hệ ấy.
Chuyên gia Trọng Mão cũng đồng tình, phải biết dùng lý trí trong tình yêu để đánh giá đúng con người đối phương. Đặc biệt cần phải tôn trọng nhau và tạo niềm tin cho nhau. Khi đã thực sự yêu và tin rồi, người ta sẽ tôn trọng và không bao giờ kiểm soát người yêu thái quá.
Kim Anh