Nghệ thuật đương đại từ không đến có hộ khẩu

Nghệ thuật đương đại từ không đến có hộ khẩu

Nghệ thuật đương đại từ không đến có hộ khẩu
TP - Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010 của Bùi Như Hương, Phạm Trung vừa ra mắt nhưng bằng tiếng Anh. Lý do của các tác giả - những người tự bỏ tiền in sách: tiếng Anh nhiều người mua hơn. Từ đó, họ mới có tiền in bản tiếng Việt.

> Con người sẽ sống ở đâu bây giờ?

Cuốn sách khổ 19,5x25,5 dày 224 trang với 333 ảnh màu minh họa là tiếng nói hiếm hoi của người Việt (mà người nước ngoài có thể hiểu được) về nghệ thuật Việt đương đại. Tác giả Phạm Trung trao đổi quanh cuốn sách.

Người nước ngoài là độc giả đích của “Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010”?

Chúng tôi làm sách với xuất phát điểm: để người nước ngoài biết mình cũng làm được sách như thế. Các công trình viết về nghệ thuật Việt Nam bằng tiếng Anh rất ít, đâm ra công chúng trên thế giới không mấy khi hiểu về nghệ thuật Việt Nam.

Thứ hai, có một điều rất đau, nếu có ấn phẩm về Việt Nam ra nước ngoài lại chủ yếu là của tác giả nước ngoài. Đấy là hạn chế của giới phê bình mỹ thuật Việt Nam vì họ không viết tiếng nước ngoài.

Thế giới nếu hiểu được về mỹ thuật hiện đại VN chỉ thông qua bài viết bằng tiếng Anh như của Norah Taylor hoặc qua tạp chí Asian Art News.

Các tác giả nước ngoài có thể có cái hay là họ khách quan, không bị ràng buộc bởi những mối quan hệ chồng chéo trong xã hội Việt Nam. Nhưng vì không ở trong đời sống xã hội này, không hiểu được tâm lý, ứng xử văn hóa của người Việt nên họ thường có cái nhìn phiến diện.

Chưa kể quan điểm về dân tộc học của họ cũng khác mình. Gần như họ luôn đóng vai người đi dạy bảo cho nghệ thuật Việt Nam.

Các tác giả lấy mốc 1990 để nghiên cứu, có nghĩa là trước đó Việt Nam không có Nghệ thuật đương đại (NTĐĐ)?

Chắc chắn. Hai sự kiện đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của NTĐĐ đều vào 1994. Đó là trình diễn của Trương Tân và triển lãm gốm Đất qua lửa của Bảo Toàn.

Sớm hơn nữa, theo thông tin từ gallery Không Gian Xanh TPHCM vào năm 1989, tại triển lãm cá nhân, họa sĩ Trần Trung Tín đã làm tác phẩm có xu hướng sắp đặt. Ông ấy bày một khúc cây buộc mấy tuýp sơn dầu bị xé banh và đặt tên là Đài tưởng niệm chống phát-xít gì đấy.

Cũng như triển lãm của Bảo Toàn, ở đây nghệ sĩ muốn thử hình thức trưng bày khác lạ như một nhu cầu bản năng, thì họ vô tình làm sắp đặt. Từ triển lãm Installation của Nguyễn Minh Thành 1996 trở đi, các nghệ sĩ của ta đã ý thức rõ ràng hơn.

Không thể tính Trần Trung Tín vào đây được vì chỉ làm một tác phẩm đấy thôi, không liền mạch. Có thể coi Trương Tân là người đầu tiên làm đương đại. Năm 1993, Trương Tân từng làm trình diễn tại TPHCM.

NTĐĐ được đón nhận thế nào trong giai đoạn đầu?

Cho đến năm 2000, đấy là một thứ nghệ thuật bán công khai, chủ yếu nghệ sĩ biết với nhau. Năm 2005, Viện Mỹ thuật hội thảo Hình thức và chất liệu trong NTĐĐ, Trần Lương có tham luận vui vui với tiêu đề được nhiều người nhắc mãi: NTĐĐ như công dân chưa có hộ khẩu.

Năm 2003, trong triển lãm Mười năm điêu khắc toàn quốc tại Vân Hồ đã có sắp đặt Đất và nước của Vương Thạo. Trước đấy nhiều sự kiện diễn ra tại Trung tâm NTĐĐ của Hội Mỹ thuật tại Đê La Thành cũng được Hội Mỹ thuật bảo trợ.

Thế tức là Nhà nước cũng dần công nhận NTĐĐ từ sau năm 2000. Nếu nói có hộ khẩu chính thức- tức là phải xuất hiện trên truyền thông, có những công trình nghiên cứu riêng- phải đến bây giờ. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 chính thức mời mọi người bày sắp đặt trình diễn.

Thường các tác phẩm gây tranh cãi hay mượn những biểu tượng xã hội - chẳng hạn Trương Tân lấy túi áo của một lực lượng chức năng tạo hình cái bỉm hay triển lãm gần đây của Trần Trọng Linh (bị đóng cửa sớm vì lý do gây ô nhiễm) lấy trước tác của các triết gia nổi tiếng dầm vào nước sông Tô Lịch. Theo anh, yếu tố chính trị xã hội hàm chứa trong tác phẩm liên quan như thế nào đến thành công về mặt nghệ thuật?

Tác phẩm Bỉm của Trương Tân là một thứ ẩn dụ có tính hài hước và có thông điệp nghệ thuật rõ ràng. Nó nhất quán với quan niệm nghệ thuật lâu nay của Trương Tân: tính giễu nhại nhẹ nhàng, hài hước và tinh tế.

Còn Thương thuyết của Trần Trọng Linh, nói thật ngay cả cộng đồng nghệ sĩ cũng không bị thuyết phục.

Thông điệp nghệ thuật theo những gì Trần Trọng Linh trình bày có thể được, nhưng đến khi cố ý gài những cuốn kinh điển vô sản vào đấy thì nó như sự đánh bẫy cơ quan quản lý. Như thế không nên.

Nghệ thuật đương đại có mặt mạnh là tính phản biện xã hội. Nghệ sĩ có quyền bộc lộ bằng rất nhiều hình thức khác nhau thái độ của họ trước thực trạng xã hội.

Tôi nghĩ một xã hội nhạy cảm, lành mạnh phải biết nhìn ra những khuyết tật của mình để chỉnh sửa.

Tác phẩm hay, ý nghĩ thâm thúy, sâu sắc, sẽ đọng lại với thời gian. Những tác phẩm gây sốc có vẻ ghi điểm rất nhanh, tác giả có được tên tuổi rất nhanh nhưng không có sức sống lâu bền.

Dù NTĐĐ một thời kỳ được gọi là nghệ thuật phù du vì tính chất thoảng qua, phản ánh sự biến đổi rất nhanh của xã hội nhưng bây giờ chính NTĐĐ bắt đầu đã được định nghĩa lại. Và các bảo tàng lại cũng đang bắt đầu sưu tập NTĐĐ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.
Bình luận