Để chuẩn bị cho một buổi xuống lò, từ 6 giờ sáng, chúng tôi đã nai nịt sẵn sàng có mặt tại khai trường Giáp Khẩu, Công ty than Hòn Gai - Vinacomin.
Sau khi nghe phổ biến kỹ lưỡng quy định nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn lao động và cùng hô vang 3 lần khẩu hiệu hưởng ứng: “An toàn! An toàn! An toàn!”, chúng tôi hăm hở cùng thợ lò vào ca.
Đường xuống “âm phủ”
Chịu trách nhiệm đưa cả đoàn xuống lò là anh Vũ Chí Định, Phó quản đốc số 1, phân xưởng số 3. Đích đến lần này sẽ là lò chợ -9 m, là nơi thợ lò sản xuất để ra than. Tuy nhiên để đến được nơi này, chúng tôi mất khoảng gần 20 phút đi bộ, xuất phát từ cửa lò đi qua đường lò vận tải và thông gió chính, hay còn gọi là giếng nghiêng từ mức +18 m xuống mức -50 m.
Đường xuống lò dốc dần. Với ánh sáng khiêm tốn từ đèn pin gắn trên mũ mỏ, chúng tôi từng người một nối bước nhau đi xuống. Càng xuống dưới sâu, không khí càng trở nên ngột ngạt, bức bối. Mặc dù tiếng quạt thông gió vẫn chạy ù ù nhưng mồ hôi của chúng tôi bắt đầu túa ra. Ở độ sâu này, nhiệt độ hầm lò luôn dao động trên dưới 30 độ C. Trong điều kiện không gian chật chội, đúng là người bình thường như chúng tôi chỉ có dạo chơi không thôi cũng đã thấy nóng bức.
Đi tiếp một đoạn nữa qua lò xuyên vỉa -50 m và dọc vỉa -50 m là đến được lò chợ -9 m. Tuy nhiên, khi vừa đặt chân đến lò chợ thì bất ngờ chúng tôi nghe thấy một tiếng nổ khá lớn từ phía trong lò. Bụi và khói cũng từ đó túa ra.
Anh Định lập tức trấn an: “Không sao đâu, anh em cho nổ mìn để phá khối than ra thôi”.
Rồi chỉ sau tiếng nổ vài phút, chúng tôi thấy một nhóm khoảng 3 thợ lò vác cột chống thủy lực lao vào điểm vừa nổ mìn, bất chấp bụi khói mờ mịt.
Thấy rõ sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh Định giải thích: “Theo quy trình, sau nổ mìn sẽ tiến hành thông gió trong khoảng 10 phút để làm loãng nồng độ các khí này rồi mới tiến hành chống lò. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian này diễn ra ngắn hơn. Khi nổ mìn, khối đất đá và than bị vỡ ra, làm lực liên kết lỏng lẻo. Theo trọng lực, khối đất đá phía trên mặt đất sẽ dồn xuống phía dưới, nguy cơ sập lò là rất lớn. Do đó, chỉ sau khoảng 3 - 5 phút, bất chấp bụi và khí độc, anh em đã nhanh chóng lao vào để dựng cột chống lò”.
Chìa bàn tay đen nhẻm bụi than quện lẫn mồ hôi ướt nhẹp, anh Nguyễn Văn Lâm, thợ lò bậc 4/6, bắt tay chúng tôi và nở nụ cười hồn nhiên: “Biết là sau nổ mìn sẽ sản sinh nhiều loại khí độc hại. Nhưng tụi em quen rồi”.
Thoát chết hy hữu rồi... trở lại đường lò !
Không chỉ có khí độc xuất hiện sau nổ mìn, đường lò luôn thường trực khí mê tan gây cháy nổ nếu tích tụ đến một nồng độ nhất định. Nếu để xảy ra nổ khí mê tan, hậu quả sẽ rất lớn.
Gần đây nhất, vào ngày 15.1, ngành than đã xảy ra vụ nổ khí mê tan tại Công ty than Đồng Vông, thuộc Công ty than Uông Bí. Cả một nhóm thợ lò 7 người thì duy nhất có anh Nguyễn Văn Quyền, 37 tuổi, còn sống sót. Ngay khi anh Quyền nằm theo dõi đặc biệt tại Bệnh viện đa khoa VN - Thụy Điển, chúng tôi đã may mắn được vào thăm.
Khi thực hiện bài viết này, anh Quyền đã hồi phục sức khỏe sau 9 tháng điều trị. Trong tháng 10, anh sẽ được cho đi kiểm tra sức khỏe lần cuối để chuẩn bị đi làm. Tuy nhiên, không như khá nhiều trường hợp khác, thường “cạch đến già” nghề thợ lò sau khi bị tai nạn, anh Quyền lại chọn xin được trở lại đường lò làm công việc trước đây.
“Nguy hiểm và rủi ro là có. Nhưng công bằng mà nói, những tai nạn như nổ khí hay bục túi nước chỉ là hy hữu. Với mức lương từ 9 - 15 triệu đồng/tháng, trong thời buổi này, tôi vẫn có thể tằn tiện lo được cho cả vợ con mình. Còn nếu chọn những công việc khác chưa chắc tôi đã kiếm được mức lương này. Thôi thì sinh nghề tử nghiệp”, anh Quyền tâm sự.
Nói về sự vất vả và nguy hiểm của thợ lò, Bí thư Đoàn thanh niên than Quảng Ninh Lê Quang Thành, người vốn trưởng thành từ thợ lò, không giấu được vẻ xúc động và tự hào: “Đã có nghề nào đong, đựng được mồ hôi? Nhưng nghề thợ lò thì có. Mồ hôi của thợ lò thấm thành giọt ướt đẫm quần áo, nhỏ xuống tràn cả đôi ủng. Chốc chốc, chúng tôi lại dốc ủng để đổ mồ hôi một lần. Sau khi lên được đến mặt đất rồi, người thợ mới có thể thở phào nhẹ nhõm và cảm ơn cuộc đời đã cho chúng tôi thêm một ngày nữa để phấn đấu và lao động”.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu thợ lò
Theo thống kê, ngành than hiện có gần 100.000 thợ lò. Nhưng từ năm 2010 đến nay, số lượng thợ lò bỏ việc có xu hướng tăng. Năm 2013, hơn 1.700 thợ lò bỏ việc. Đa số là các thợ lò trẻ có thâm niên làm việc khoảng 5 năm trở lại, bỏ việc do ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý xã hội như: lo sợ nghề nguy hiểm, không có điều kiện và thời gian tìm kiếm bạn đời để lập gia đình... Cùng với tâm lý đó, việc tuyển mới thợ lò cũng đang gặp khó khăn, đặt ngành than đứng trước nguy cơ khủng hoảng thiếu thợ lò.