Nhạc chế, phim hài lên ngôi
Theo thống kê của Youtube về Top Trending (Top thịnh hành), trong năm 2019, có đến 7/10 video được người Việt xem nhiều nhất trên YouTube trong năm 2019 là những ca khúc “nhạc chế” với nội dung hài hước hoặc là video về các chương trình giải trí, hài kịch... Trong đó, video “Những chị đại học đường” của cô gái được mệnh danh là “nữ hoàng nhạc chế” của Việt Nam - Hậu Hoàng, là video có lượng người xem nhiều nhất 124 triệu lượt. Video thuộc thể loại nhạc chế lời, cách thể hiện vui nhộn, lời bài hát mới lạ dựa trên một nền nhạc nổi tiếng sẵn có. Clip nhạc chế “Sau sáu rưỡi” của diễn viên hài Trung Ruồi cũng có mặt trong danh sách với hơn 27,3 triệu lượt xem. Clip nhạc chế “Để Mị nói cho mà nghe parody” của diễn viên BB Trần với hơn 16,1 triệu lượt. Thậm chí video ca nhạc “Độ ta không độ nàng” của kênh Hương Ly cover cũng nhận hơn 18,8 triệu lượt xem.
YouTube cũng công bố danh sách 10 clip ca nhạc được xem nhiều nhất trên trang web này tại Việt Nam trong năm 2019. Trong đó, cặp đôi Jack và K-ICM chiếm đến 4/10 video ca nhạc được xem nhiều nhất, mỗi video nhận từ 130 triệu đến hơn 255 triệu lượt xem. Trong khi đó màn hợp tác giữa Sơn Tùng M-TP và ngôi sao nổi tiếng người Mỹ Snoop Dogg trong ca khúc “Hãy trao cho anh” chỉ xếp ở vị trí số 4 về số lượt xem. Từ khóa “Độ ta không độ nàng” cũng trở thành hiện tượng trên YouTube khi có tới hai nội dung liên quan đến bài hát này xuất hiện trong top 10 video nổi bật trong năm, gồm bản cover của kênh Hương Ly và một video dạng “reaction” (video phản ứng) có tên “Sự thật về bài hát Độ ta không độ nàng” do kênh Cris Devil Gamer thực hiện.
Trong năm qua, YouTube tiếp tục là nền tảng phát hành âm nhạc được nhiều ca sĩ trẻ lựa chọn. Đã qua rồi cái thời muốn đi hát thì phải “ra đĩa”, giờ tất cả được đăng lên Youtube và lượt xem là một trong những thước đo thành công. Top 10 video âm nhạc nổi bật của YouTube Việt có tới tám video đạt trên 100 triệu lượt xem, hai video còn lại cũng đạt lần lượt 91 triệu và 97 triệu lượt xem. Video âm nhạc có lượt xem nhiều nhất YouTube Việt năm nay là “Bạc phận” của ca sĩ K-ICM và Jack. Sau 8 tháng phát hành, MV này đạt 258 triệu lượt xem, đồng thời cũng là một trong những video Việt có tốc độ tăng lượt xem nhiều nhất.
Công nghệ “cày view”
Những con số view, sub có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng danh tiếng, là thước đo rõ nhất cho thành công và sức ảnh hưởng của một cá nhân. Thế nên mới có chuyện, bầu sô ngày nay không cần biết đó là giọng ca nào, chất lượng hay không, chỉ cần xem bản hit nào đang có lượt view cao thì ca sĩ sẽ được chọn để mời tham gia sự kiện.
Nhưng cũng vì thế, nhiều người thay vì bỏ công và chất xám sáng tạo cống hiến bằng thực lực thì lại tìm cách “lách luật” kín đáo. Một trong những hình thức đó chính là “cày view”. Nếu như ở Trung Quốc từng bùng nổ các “trang trại cày view” với những dàn thiết bị lên tới hàng trăm, hàng nghìn chiếc sẵn sàng chờ để “click” thì ở Việt Nam, dịch vụ này cũng đã xuất hiện với những lời mời chào “nhận tăng view, tăng sub” công khai, tràn lan trên facebook.
“Cày view” cũng là một cách fan hâm mộ thể hiện sự ủng hộ cũng như lòng trung thành với thần tượng, bất chấp giá trị của MV đó bị sai lệch hoặc bị đẩy lên quá cao so với chất lượng thực. Dưới mỗi MV trên Youtube, thường xuyên thấy những lời hiệu triệu “cày view” gấp để cạnh tranh. Chỉ cần MV của thần tượng vừa lên sóng, ngay lập tức sẽ có chiến dịch kêu gọi “cày thôi anh em ơi”, “đưa MV lên top nào mọi người ơi”…
Và thế là trong suốt 24 giờ, thậm chí từ ngày này qua ngày nọ, cộng đồng fan sẽ xem đi xem lại MV trên tất cả điện thoại và kết hợp tối đa các thiết bị công nghệ khác như laptop, máy tính bảng của mình lẫn người thân, bạn bè. Thậm chí, các fan còn thuê thêm nhiều máy tính ở tiệm internet để phục vụ việc cày view, rồi sử dụng nhiều trình duyệt, mở nhiều tài khoản click vào MV để xem. Nhiều fan còn truy cập vào các fanpage hoặc kênh YouTube của những nghệ sĩ khác để giao lưu, đề nghị phối hợp giúp nhau tăng view… Bất chấp view ảo hay thật, chỉ cần fan chăm chỉ “cày”, đưa MV lên “Top Trending” thì sẽ giúp nghệ sĩ tăng thu nhập, tăng khả năng chiến thắng ở các giải thưởng kỹ thuật số và trực tuyến, tăng quảng cáo trên YouTube cá nhân.
Có lẽ, nếu nhìn vào danh sách các MV có lượt view cao nhất hiện nay, hẳn không ít nghệ sĩ làm nghề lâu năm sẽ phải “khóc thét”. Sự thật phũ phàng là nhiều sản phẩm hay, đầu tư công phu, kỹ lưỡng nhưng không bao giờ có thể leo lên những vị trí “Top Trending”. Minh chứng là trong năm qua, hàng loạt MV nhạc dân tộc được chơi trên nền nhạc điện tử, những bản cover bản hit của các nghệ sĩ nhạc giao hưởng như violin, saxophone… rất thú vị nhưng không nhiều lượt view.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhạc sĩ Dương Cầm cũng lo ngại các nghệ sĩ trẻ mới vào nghề sẽ coi view là mục tiêu làm nghề, mải mê cuộc chiến “triệu view” mà bỏ qua lao động nghệ thuật nghiêm túc, chân chính. “Tôi không phủ nhận lượt xem có một giá trị riêng. Nhưng nó không đại diện cho toàn thể khán giả mà chỉ thể hiện thị hiếu của một bộ phận khán giả. Lượt view ảo rồi có lúc sẽ giết chết người nghệ sĩ”, anh nhấn mạnh. Nhạc sĩ cũng cho rằng công chúng không nên lấy view để đánh giá một sản phẩm âm nhạc bởi âm nhạc không chỉ để giải trí mà còn phải có cả yếu tố nghệ thuật.
Ca sĩ Võ Hạ Trâm thẳng thắn chia sẻ:
Tôi thấy chuyện các ca sĩ trẻ vin vào con số lượt xem khá là buồn cười vì chỉ cần bỏ tiền ra mua view, sẽ có hẳn một đội ngũ cày view cho bạn. Chính tôi, khi ra MV, rất nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi có mua lượt nghe, lượt yêu thích hay không, nhưng tôi dứt khoát nói không. Dù ít người xem nhưng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc hơn, chứ không phải họ bật lên mà không xem, chỉ để máy chạy tính lượt.