Nghệ sĩ sai, xin lỗi quá nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
Thiên An lên tiếng tố cáo Jack “bắt cá nhiều tay” và thiếu trách nhiệm với con
Thiên An lên tiếng tố cáo Jack “bắt cá nhiều tay” và thiếu trách nhiệm với con
TP - Một số nghệ sĩ Việt mắc lỗi, vi phạm rồi chỉ cần lên tiếng xin lỗi là êm xuôi. Khán giả, các nhà quản lý dường như đang quá dung túng cho nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Xin lỗi lấy lệ

Nghệ sĩ trong thời dịch bệnh bùng phát, không ít người chạy đôn đáo khắp nơi làm thiện nguyện, vừa xuất phát từ lương tâm vừa là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nghệ sĩ. Thế nhưng, đây đó có nghệ sĩ dính vào lùm xùm đạo đức, hành vi lệch chuẩn đáng lên án. Thời gian qua dồn dập trường hợp nghệ sĩ đánh mất lòng tin của người hâm mộ, chẳng hạn chuyện NSƯT Hoài Linh chậm trễ chuyển 14 tỷ tiền từ thiện, NSND Hồng Vân, Quyền Linh, lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật... Mới đây nhất là ồn ào ca sĩ trẻ Jack (Trịnh Trần Phương Tuấn) có hàng triệu người hâm mộ bị tố “bắt cá nhiều tay”, có con riêng với diễn viên trẻ Thiên An và thiếu trách nhiệm với đứa bé.

Sai, xin lỗi là đương nhiên, nghệ sĩ không ngoại lệ. Chỉ có điều Jack sai chồng sai khi lời xin lỗi chỉ hướng về khán giả, công ty, đối tác, nhãn hàng mà anh ta cộng tác nhưng lại thiếu cầu thị với người con gái sinh con cho anh. Dư luận không chấp nhận lời xin lỗi cho có như Jack vừa đưa ra. Nhiều khán giả kêu gọi tẩy chay Jack- ca sĩ có nhiều ca khúc hàng chục triệu lượt xem như Sóng gió, Bạc phận, Đom đóm.

Nghệ sĩ sai, xin lỗi quá nhẹ ảnh 1

Khán giả kêu gọi tẩy chay ca sĩ Jack trước lùm xùm liên quan đến con riêng

Nghệ sĩ sai, xin lỗi quá nhẹ ảnh 2

NS Hoài Linh từng phải lên mạng nhận lỗi chậm trao tiền từ thiện

“Nói cho đúng thì ở ta, văn hóa chịu trách nhiệm với sai lầm của bản thân rất ít. Với người nổi tiếng, áp lực phải hoàn hảo trong mắt khán giả cộng thêm tâm lý muốn xin lỗi cho qua chuyện… khiến cho lời xin lỗi của phần lớn những người nổi tiếng trong showbiz chỉ mang tính chất cho có. Họ xin lỗi vì muốn khép lại câu chuyện, đừng bàn tán xôn xao thêm ảnh hưởng đến con đường làm nghề. Họ hoàn toàn không muốn thừa nhận một cách chân thành họ đã và đang sai, cũng như đang sửa chữa lỗi lầm ấy bằng một giải pháp trong tương lai. Cái này giống như căn bệnh mãn tính trong showbiz mà chưa có thuốc chữa”, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nêu.

Cần tạo áp lực cho nghệ sĩ

PGS.TS. Bùi hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cho rằng: “Trước hết nên xuất phát từ nhận thức đầy đủ, đúng đắn của nghệ sĩ về trách nhiệm xã hội. Các chế tài từ quy định của pháp luật hay áp lực của dư luận xã hội giúp nghệ sĩ ý thức đầy đủ và rõ ràng hơn về hành vi, nhưng cũng chỉ nên xem là quan trọng thứ hai. Bài học từ việc các nghệ sĩ Trung Quốc hay Hàn Quốc bị lên án dữ dội và phải rời bỏ ngành giải trí có thể là kinh nghiệm đối với nghệ sỹ Việt, nhưng cũng nên cân nhắc bởi mỗi nền văn hoá có cách ứng xử khác nhau. Khác nhau nhưng cũng có thể xem là một thứ áp lực để nghệ sĩ ý thức tốt hơn về nghề nghiệp và cuộc sống”.

Không đánh giá riêng trường hợp của Jack, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhìn rộng hơn để thấy cách đối diện khủng hoảng và cách xin lỗi của nghệ sĩ. “Tôi cho rằng đại đa số họ chưa biết cách nói lời xin lỗi theo hướng có thể làm hài lòng dư luận. Lời xin lỗi tốt nhất là xuất phát từ tâm. Tức là, nghệ sĩ phải nhận thức được việc làm sai, phát sinh mong muốn nhận lỗi, sửa lỗi rồi mới tới bước cuối cùng là đưa ra lời xin lỗi. Xét về mặt chuyên môn trong việc xử lý khủng hoảng, tôi luôn phân tích cho khách hàng nhìn thấy cái sai của họ, thậm chí “tranh luận” và “buộc tội” cho tới khi họ tâm phục khẩu phục rằng bản thân đã sai. Khi ấy, tôi mới đề cập việc xin lỗi hay không xin lỗi”, anh Ngọc Long phân tích.

Nghiêm khắc hơn

Nhiều người đặt câu hỏi “nghệ sĩ xin lỗi để làm gì” và nêu hiện trạng cộng đồng và nhà quản lý đang quá bao dung với sai lầm của nghệ sĩ. Nhìn sang các nền giải trí trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, nghệ sĩ “có vết” không dễ dàng tiếp tục sự nghiệp. Thậm chí nhà quản lý đưa ra biện pháp trừng phạt mạnh tới nỗi nghệ sĩ mất nghiệp. Cuối năm ngoái, nữ diễn viên Trịnh Sảng bị “phong sát” (cấm sóng, cấm hoạt động nghệ thuật) do bê bối mang thai hộ và chối bỏ con. Vừa qua, nam diễn viên- ca sĩ Ngô Diệc Phàm đối mặt án tù và đương nhiên là lệnh “phong sát” vì bê bối lạm dụng người hâm mộ, trẻ vị thành niên.

Chuyên gia truyền thông cho rằng, một bộ phận không nhỏ người nổi tiếng ở Việt Nam sống trong một thế giới không có thật. Thế giới mà ở đó họ được nhường bàn nhường ghế khi vào nhà hàng, được phục vụ nhanh hơn người bình thường, được ưu tiên vị trí tốt khi xếp hàng ở sân bay và thậm chí được xuề xòa bỏ qua khi phạm luật giao thông. Hệ quả, họ mặc nhiên cho rằng mình có quyền lực rất lớn, được kính trọng, được ngưỡng mộ, được nuông chiều và thậm chí đứng trên luật pháp.

“Hành vi của nghệ sĩ đáng ra phải được điều chỉnh bởi ba thiết chế là luật pháp, khán giả và các nhãn hàng. Nhưng ở Việt Nam, luật pháp chưa có hành lang pháp lý đủ mạnh mang tính răn đe với những lỗi thuộc về phạm trù văn hóa. Khán giả trong nước cũng chưa có thói quen tẩy chay triệt để, thường chỉ nửa vời. Cho nên, nghệ sĩ chỉ còn “sợ” các nhãn hàng, sợ mất hợp đồng, mất tiền quảng cáo. Nhưng các nhãn hàng lại nhìn ngược vào phản ứng của khán giả để làm quyết liệt tới cùng hay giơ cao đánh khẽ. Cho nên khi khán giả không quyết liệt phản ứng, từ từ các nhãn hàng cũng xuề xòa cho qua lỗi lầm của nghệ sĩ”, anh Ngọc Long phân tích.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho rằng, cách duy nhất để hạn chế tình trạng nghệ sĩ “nhờn”, liên tiếp mắc lỗi ở phạm trù đạo đức, văn hóa thì khán giả cần cho họ thấy quyền lực nhiều hơn nữa. Khán giả cần gây áp lực với người nổi tiếng để họ biết rằng những lỗi lầm (đặc biệt những lỗi nghiêm trọng thuộc về tư cách đạo đức) phải đi kèm với lời xin lỗi thật tâm cũng như cho thấy sự cầu thị. “Quyền lực của khán giả rất lớn, họ chính là “nồi cơm” của người nổi tiếng. Chúng ta đang nhìn thấy điều đó ở showbiz Hàn hay Trung Quốc. Có lẽ đây chính là cách duy nhất để không chỉ có những lời xin lỗi suông trong showbiz Việt nữa”, Phong Việt đề xuất.

Đồng tình với điều này, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long nêu, gần đây một bộ phận không nhỏ khán giả trẻ có những bước thay đổi đáng kể. Chính tiếng nói, thái độ phản ứng quyết liệt của họ sẽ làm cho nghệ sĩ phải thay đổi. Nhiều nghệ sĩ sẽ tỉnh giấc, bước ra khỏi thế giới ảo. Mối quan hệ giữa khán giả và người nổi tiếng sẽ được điều chỉnh đặt về đúng vị trí thật như nó vốn có, nên có, và cần phải có.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.