Lùm xùm tiền từ thiện: Sai thì nhận lỗi, sửa chữa bằng sự chân thành!

0:00 / 0:00
0:00
Dư luận bức xúc vì nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền từ thiện 14 tỷ đồng trong 6 tháng
Dư luận bức xúc vì nghệ sĩ Hoài Linh "om" tiền từ thiện 14 tỷ đồng trong 6 tháng
TPO - “Làm từ thiện là một việc rất tốt, nhưng để tránh bị biến tướng hoặc lợi dụng tấm lòng của các nhà hảo tâm để trục lợi thì nên dùng công cụ pháp luật để điều chỉnh”, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ với phóng viên Báo Tiền Phong.

Lỗi đầu tiên thuộc về người kết nối

Sau câu chuyện của ca sĩ Thuỷ Tiên, những ngày qua, dư luận lại ồn ào xoay quanh việc nghệ sĩ Hoài Linh (Võ Nguyễn Hoài Linh) “om” 14 tỷ đồng tiền quyên góp từ thiện ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung suốt hơn 6 tháng qua.

Theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), làm từ thiện, điều quan trọng không phải đóng góp ít hay nhiều, mà điều quan trọng là trao gửi tấm lòng cho nơi nào mình tin tưởng. Cá nhân hay tổ chức là do sự lựa chọn của mỗi người, không phân biệt đối xử.

“Người muốn làm từ thiện cũng có lúc lựa chọn sai lầm, vì tin nhầm nơi, trao nhầm chỗ. Cuộc sống không thiếu gì những nhầm lẫn với bao người. Nhưng lấy lý do họ trao sai niềm tin để chửi, để đổ lỗi họ tiếp tay cho những thiếu sót của ai đó thì quá ác. Vừa ác tâm, vừa ác khẩu. Người như vậy, dù có tham gia từ thiện trăm lần thì tấm lòng cũng chẳng thể từ bi”, bà Hiền cho hay.

Nữ đại biểu thường xuyên gắn bó với các hoạt động từ thiện xã hội cũng cho rằng, tổ chức hoạt động vừa mang ý nghĩa thiện nguyện, vừa có tính chất trợ giúp xã hội, chung tay phát triển cộng đồng...không phải việc làm dễ dàng.

Ngoài tấm lòng và sự thiện chí, cá nhân hay tổ chức đứng ra làm đều phải có năng lực và sự nghiêm túc: kết nối vận động, quản lý điều hành, tổ chức thực hiện. Các khâu chủ yếu này luôn có nhiều việc chi tiết phải làm, phải xử lý thường xuyên.

“Người tham gia từ thiện hay làm thiện nguyện đơn lẻ chỉ cần lòng trắc ẩn. Còn khi đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện thì cần nhiều hơn thế, kể cả thái độ chuẩn mực và trách nhiệm.

Thực tế không ít đơn vị, tổ chức có kinh nghiệm, làm sự kiện chuyên nghiệp mà khi tổ chức từ thiện hay hoạt động xã hội cũng có thể xảy ra sơ suất huống gì cá nhân.

Vậy nên, nếu ai không có năng lực tổ chức, thì chỉ nên tham gia trong khả năng có thể, miễn là thấy an vui và nhẹ lòng”, nữ đại biểu được biết đến với nhiều phát biểu dậy sóng nghị trường bày tỏ.

Theo bà, tham gia hay tổ chức hoạt động thiện nguyện, bằng tâm thế nào thì cũng không thể đáp ứng tuyệt đối nhu cầu và hài lòng tất cả mọi người. Phạm vi càng rộng, áp lực càng nhiều. Đôi khi sẽ có những việc xảy ra không như mong muốn, như chậm trễ, ách tắc, thậm chí là thiếu hụt, thất thoát vì nhiều yếu tố.

“Nhưng lý do nào đi nữa, khách quan hay chủ quan thì lỗi đầu tiên vẫn thuộc về người chủ công, người đóng vai trò kết nối, đón nhận, trao gởi niềm tin, san sẻ yêu thương. Sai thì nhận lỗi, sai thì sửa bằng một điều duy nhất, đó là sự chân thành.

Niềm tin bị tổn thương, để xoa dịu sự tổn thương ấy chỉ có một cách là đối diện và bù đắp. Đối diện với sự tổn thương về niềm tin khác hoàn toàn với việc đối phó với số đông bằng công cụ truyền thông. Nó chỉ làm cho tất cả giận dữ hơn (kể cả những người rất vô cớ), đau hơn, tiêu cực hơn. Sứ mệnh của thiện nguyện là kết nối nhân ái, nuôi dưỡng yêu thương và bồi đắp niềm tin!”, bà Hiền cho hay.

Lùm xùm tiền từ thiện: Sai thì nhận lỗi, sửa chữa bằng sự chân thành! ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền

Minh bạch nguồn tiền

Theo nữ đại biểu đoàn Phú Yên, khái niệm “Quỹ” thời nay đã trở thành từ đa nghĩa và có nhiều cách hiểu. Cách hiểu tai hại nhất là hiểu bằng cảm tính, rồi hành động theo cảm tính.

Nghị định 93 của Chính phủ, quy định cá nhân hay tổ chức đều được phép thành lập Quỹ, nếu đảm bảo các nguyên tắc hoạt động, điều kiện và thủ tục thành lập. Tuy nhiên, Quỹ từ thiện khác với Quỹ xã hội, hoạt động từ thiện khác với hoạt động xã hội.

Mặc dù vậy, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Yên cũng băn khoăn, vì chưa có quy định nào phân biệt rõ hoạt động xã hội với hoạt động từ thiện đối với các cá nhân và tập thể muốn làm từ thiện nhưng không đủ điều kiện để thành lập quỹ.

“Việc làm từ thiện là một việc làm rất tốt, có ý nghĩa, phát huy truyền thống “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam. Nhưng để tránh những hoạt động bị biến tướng hoặc lợi dụng tấm lòng của các nhà hảo tâm để trục lợi thì nên dùng công cụ pháp luật để điều chỉnh.

Ví dụ như việc huy động nguồn lực để cứu trợ cấp bách trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh thì cần phải quy định rõ thời hạn giải ngân trong bao lâu để đúng với ý nghĩa cứu trợ kịp thời;

Hay quy định trong bao lâu phải công khai minh bạch chi tiêu. Bởi việc công khai, minh bạch hiện nay từ các nguồn tiền này chưa được quy định cụ thể. Cứ tuỳ thuộc vào cái tâm của người kết nối thì rất khó kiểm soát.

Còn huy động để thực hiện các công trình cộng đồng, hay dự án nhỏ như xây nhà chống lũ... thì thời hạn giải ngân dài hơn.

Vấn đề là cần phải có sự quản lý của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của các bên khi tham gia hoạt động từ thiện. Tránh việc bị lợi dụng, trục lợi từ các nguồn tiền, làm mất đi ý nghĩa và giá trị tốt đẹp của người Việt mình”, đại biểu nói.

MỚI - NÓNG