Nghe lén là xâm hại quyền con người

Luật sư Nguyễn Tiến Trung.
Luật sư Nguyễn Tiến Trung.
TP - Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Cty Luật Trung Nguyễn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên Tiền Phong. Theo luật sư Trung, việc nghe lén điện thoại với bất cứ lý do gì đều vi phạm pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền con người được Hiến pháp ghi nhận.

Dư luận hết sức lo ngại khi dịch vụ nghe lén nở rộ, với sự góp mặt của nhiều công ty “thám tử tư”. Lý do gì khiến dịch vụ này lên ngôi, theo luật sư?

Phải thừa nhận thực tế, ở nhiều mặt của đời sống xã hội nhu cầu thông tin luôn là những đòi hỏi hết sức bức thiết. Trong kinh doanh, đó là sự khát khao của các doanh nghiệp về nguồn tin của các đối thủ cạnh tranh, thậm chí là nguồn tin từ nội bộ. Trong cuộc sống, nhất là đời sống hôn nhân, đôi khi, nhiều người vợ, người chồng mong muốn kiểm soát được bạn đời, do vậy, họ cũng mong muốn có được thông tin. Trong hoạt động điều tra, câu chuyện nghe lén tôi tin là có, nôm na nó được hiểu là hoạt động trinh sát, tiền tố tụng. Cao hơn, ngay cả tầm cỡ quốc gia, chuyện nghe lén đã trở nên phổ biến.

Đặc biệt gần đây, một thông tin làm chấn động thế giới, đó là chuyện một điệp viên tiết lộ hoạt động nghe lén ở khắp mọi miền, tập trung vào các quốc gia có sức mạnh, nguyên thủ hay những người có sức ảnh hưởng ở các quốc gia này. Với nhu cầu thực tế đó, việc dịch vụ nghe lén, mua bán nguồn tin đã có đất dụng võ.

Hệ thống pháp luật của Việt Nam đã điều chỉnh hành vi nghe lén chưa?

Điều quan trọng trước tiên phải làm rõ được mục đích nghe lén. Từ mục đích đó, sẽ xác định được cụ thể từng khung hình phạt, chế tài và các tội danh liên quan. Còn xét ở góc độ tổng quát, có thể khẳng định, nghe lén là một việc làm xâm hại nghiêm trọng đến đời tư, đến hoạt động bình thường của công dân, cao hơn, đó là quyền con người được Hiến pháp ghi nhận. Tại Điều 21 của Hiến pháp 2013 mới đây đã khẳng định, mọi công dân có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hoạt động, trao đổi riêng tư khác. Việc xâm phạm, như hành vi bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái phép thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đều không được pháp luật công nhận.

Luật sư có thể nói cụ thể hơn?

Như tôi đã nói ở trên, một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất là xem xét, truy cứu trách nhiệm của người nghe lén, đó là việc xác định mục đích của họ. Đơn cử như việc tạo ra, cài đặt, phát tán các phần mềm nghe lén tới các điện thoại cá nhân nhằm đánh cắp thông tin, thu lời bất chính sẽ có thể bị truy cứu tội danh Xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125 Bộ luật Hình sự). Nếu cố tình dùng thông tin có được từ các cuộc nghe lén, nhất là việc sử dụng các tài khoản tài chính cá nhân để mua hàng trực tuyến, hoặc chiếm đoạt tài sản, người này sẽ đối mặt với tội danh Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc mạng internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản (Điều 226b Bộ luật Hình sự). Nặng hơn, hành vi nghe lén bất hợp pháp rồi dùng những thông tin đó phục vụ cho hoạt động gián điệp, người này sẽ có nguy cơ bị truy tố về tội danh Làm gián điệp (Điều 80 Bộ luật Hình sự).

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG