'Nghe' hiện vật kể chuyện lịch sử giữa sân trường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ trung tuần tháng 4 năm nay, những triển lãm lưu động liên tục được các bảo tàng ở Đà Nẵng mang đến các trường THPT, THCS trên địa bàn. Các em học sinh đều hào hứng với những câu chuyện lịch sử được kể lại sống động giữa sân trường.
'Nghe' hiện vật kể chuyện lịch sử giữa sân trường ảnh 1
Câu chuyện về lịch sử và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và biển đảo Việt Nam thu hút các em học sinh trường THCS Trần Quang Khải (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Đà Nẵng những ngày đầu hạ, sân trường THCS Trần Quang Khải (huyện Hòa Vang) thu hút sự chú ý của rất đông học sinh với hàng loạt khung ảnh được trưng bày dọc khu vực sân chào cờ. Đây là điểm trường đầu tiên trong hành trình triển lãm lưu động “Em yêu biển đảo quê hương” đi qua các trường THPT, THCS trên địa bàn do Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp với Nhà Trưng bày Hoàng Sa tổ chức.

Khoảng 50 khung hình với gần 100 bản sao tư liệu, thư tịch, bản đồ… về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như chủ quyền biển đảo Việt Nam được trưng bày theo tiến trình lịch sử. Các hình ảnh ngư dân vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt, vừa gìn giữ chủ quyền biển đảo cũng được trưng bày trang trọng. Ngoài ra, hàng loạt tư liệu báo chí về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được sắp xếp để giáo dục lớp trẻ về tình yêu và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chăm chú tham quan triển lãm, em Phùng Thị Ny Na (học sinh lớp 8/1, Trường THCS Trần Quang Khải) chia sẻ: “Những câu chuyện lịch sử được kể lại sống động qua hình ảnh và hiện vật giúp em có thêm những thông tin, kiến thức hữu ích về chủ quyền biển đảo. Em cũng tự ý thức rằng thế hệ trẻ chúng em sẽ là người tiếp bước để bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng đất nước”.

Cuối tháng tư, triển lãm “Ký họa chiên trường Khu V” cũng được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mang đến trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Hòa Vang). Hơn 40 bức kí họa kể lại những ngày tháng kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ, ghi lại những hi sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ độc lập. Các em học sinh cũng được nghe họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Hồng, SN 1942, quê Hà Tây) – một trong những tác giả thực hiện các bức kí họa kể lại những ngày tháng khoác balo mang theo giấy, chì, màu vào trong bom đạn để khắc họa lại những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc.

Mở cửa phục vụ công chúng từ cuối năm 2016, qua hơn 5 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với một đơn vị để mang triển lãm đến trường học. Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng, kế hoạch đưa bảo tàng về với học sinh các khu vực xa trung tâm thành phố đã được xây dựng hơn 2 năm, nhưng do dịch bệnh COVID-19, đến tận cuối tháng 4 năm nay, Bảo tàng mới có thể triển khai.

Để mang những hiện vật vốn được bảo quản cẩn thận ở Bảo tàng đến với sân trường, Bảo tàng đã phối hợp với nhà trường lên kế hoạch chu đáo, chú trọng công tác giao nhận, giữ gìn nguyên bản các hiện vật được trưng bày. “Triển lãm đầu tiên nhận được phản hồi rất tốt từ các thầy cô, học sinh. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa giáo dục đối với học sinh, vì vậy, chúng tôi dự định sẽ duy trì thường xuyên. Bên cạnh giới thiệu bộ sưu tập tranh ký họa chiến trường, chúng tôi sẽ lồng ghép thêm một số hoạt động như trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ, làm tranh khắc gỗ, triển lãm bộ sưu tập tranh thiếu nhi hiện có của Bảo tàng... để đa dạng hóa nội dung các triển lãm”, bà Trinh nói thêm.

Vừa qua, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đưa triển lãm ảnh “Đà Nẵng – Thành phố của những cây cầu” đến với trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Triển lãm kéo dài trong 6 ngày, là câu chuyện kể bằng hình ảnh về sự phát triển đi lên của thành phố và sự thay đổi cuộc sống của người dân từ khi những cây cầu hiện hữu.

Ông Đặng Văn Khoa, Trưởng phòng Sưu tầm - Trưng bày và Bảo quản, Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay, thông qua các triển lãm lưu động, Bảo tàng mong muốn sẽ cùng nhà trường thay đổi cách các em tiếp cận với lịch sử, kể lại những câu chuyện lịch sử một cách sống động hơn.

Còn theo ông Lê Tiến Công, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa, trước mắt, chuỗi triển lãm lưu động “Em yêu biển đảo quê hương” sẽ đi qua 14 trường THPT, THCS trên địa bàn. “Chúng tôi muốn thay đổi phương thức tiếp cận cho học sinh, mong muốn mang những thông tin về chủ quyền biển đảo, văn hóa biển, công cuộc vươn khơi bám biển của ngư dân, những tư liệu trên báo chí… đến gần hơn với các em học sinh, từ đó, hun đúc thêm tình yêu lịch sử, tình yêu quê hương, yêu biển đảo cũng như chủ quyền Tổ quốc”, ông Công chia sẻ.

MỚI - NÓNG