Nghề bắt cào cào mưu sinh
“Nghề nào cũng kiếm tiền, miễn sao chân chính là được”. Tuy nói như vậy nhưng cách đây vài năm, khi có ai hỏi đến công ăn việc làm, những người bắt cào cào mưu sinh không khỏi chạnh lòng.
“Biết chúng tôi làm công việc chẳng giống ai này, nhiều người đã bĩu môi cười nhạo, chê cái nghề gì nghe “bèo” quá! Có lẽ vì người ta chê nên ít ai theo, nhờ vậy mà vợ chồng tôi cùng 6 đứa con “cày” quanh năm suốt tháng cũng sống khỏe” - ông Năm Cắt, người hơn 30 năm nay sống với công việc bắt cào cào, thổ lộ.
Kiếm một buổi vài trăm ngàn đồng
Ông Năm Cắt tên thật là Nguyễn Văn Cắt, ngụ ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, tuy vừa trải qua một cơn tai biến nhưng khi nghe tôi nhắc đến công việc bắt cào cào, ông đã thao thao bất tuyệt: “Trước đây, ai theo nghề này thì bị chê là làm biếng, không nghề ngỗng gì mới vác vợt ra đồng bắt cào cào. Thực ra, tuy bị chê nhưng nghề này không bạc đâu. Chưa chắc lương của cô đã bằng thu nhập từ việc bắt cào cào của mấy đứa nhỏ con tui”.
Anh Nguyễn Văn Minh bắt đầu một ngày với công việc vợt cào cào. |
Cào cào bắt được mang đến bán cho điểm thu mua. |
Cô con gái út của ông Năm Cắt đang ngồi sửa lại chiếc vợt, nghe vậy liền xua tay ngại ngùng: “Ba nói vừa vừa thôi”. Ông Năm Cắt vẫn hào hứng: “Giờ kiếm được cái nghề làm một buổi vài trăm ngàn đồng đâu dễ, chưa kể ngày ngày còn được ra đồng ruộng hít thở khí trời căng cả bụng. Quan trọng là không lo thất nghiệp, mùa nắng bắt được cào cào nhiều, mùa mưa ít hơn nhưng vẫn có tiền đều đều. Chừng nào cây cỏ còn sinh sôi thì cào cào còn nảy nở, tụi tui vẫn có công việc mưu sinh”.
Chỉ về phía mấy cây vợt làm bằng vải xếp dọc hàng rào, ông Năm Cắt sảng khoái: “Nhờ nó mà gia đình tui sống mấy chục năm nay”.
Theo ông, xã Xuân Thới Thượng là nơi xuất phát của nghề bắt cào cào. Tuy không rõ “ông tổ” của nghề là ai nhưng ông Năm Cắt vẫn nhớ như in những “sư phụ” của mình. “Cụ Tám Miếng, cụ Ba Hữu là những người đã truyền nghề cho lứa tụi tui. Họ dạy cách cầm vợt, chỉ bí quyết nhận biết vùng cỏ có nhiều cào cào” - ông cho biết.
Theo ông Năm Cắt, trước năm 1975, người chơi chim ở Sài Gòn chưa nhiều nên lượng cào cào tiêu thụ không bao nhiêu. Về sau, đất nước dần phát triển, khi đã đủ ăn đủ mặc, nhiều người sinh ra thú trồng kiểng, nuôi chim. “Chim nuôi càng nhiều thì người ta càng có nhu cầu tiêu thụ cào cào. Người này rỉ tai người kia, dần dần công việc bắt cào cào cũng phát triển” - ông giải thích.
Cào cào bắt được chủ yếu bán cho người chơi chim nhưng nếu chỉ bán lẻ thì không được bao nhiêu tiền. Trước đây, ông Năm Cắt phải mang cào cào ra tận chợ côn trùng bên hông Thuận Kiều Plaza ở quận 5, TP HCM tìm một góc đứng bán. Sau này, ông bàn với vợ - bà Huỳnh Thị Lao - mở điểm thu mua cào cào để bán lại cho các đầu mối. Điểm thu mua của bà Lao hiện lớn nhất xã Xuân Thới Thượng. “Hai con gái phụ mẹ, 2 con dâu và chàng rể của tui cũng theo nghiệp cào cào” - bà Lao hồ hởi.
Ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, anh Nguyễn Văn Minh cũng có kinh nghiệm không kém với hơn 15 năm trong nghề bắt cào cào. “Làm nghề này phải nhanh nhạy. Muốn trúng ổ thì phải biết chọn vùng cỏ cằn cỗi, quơ thử vợt nghe tiếng rào rào là chắc chắn cào cào nhiều. Mùa nắng, vào tháng 2-3 nên ra bưng biền hoặc bờ sông; qua tháng 5-6 có mưa rào thì lên đất gò, đồng ruộng; từ tháng 10 trở đi cần chọn những cánh đồng lúa vừa gặt xong mà vợt cào cào” - anh tiết lộ.
Nuôi sống người nghèo
Theo bà Huỳnh Thị Lao, TP HCM và Tây Ninh là 2 nơi cung cấp cào cào nhiều nhất cho người chơi chim ở miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Điểm thu mua của bà mỗi ngày cung cấp gần 300 xâu (10 bịch/xâu) cho các mối lái. Ngoài số cào cào do người nhà bắt, bà Lao thu mua lại của hơn 10 người khác, đa số là dân nghèo từ các tỉnh đến. Hầu như ngày nào công việc của họ cũng diễn ra đều đặn.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, quê tỉnh Hậu Giang, cho biết từ khi những chiếc máy gặt đập lấn sâu vào đồng ruộng, nhiều người cắt lúa mướn như anh trở nên thất nghiệp. “Nghe người ta mách nước, tui lên TP HCM bắt cào cào hơn 1 năm nay. Với mức thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày, công việc này cũng giúp tôi nuôi được vợ và 3 con nhỏ” - anh khoe.
Với anh Phạm Viết Thìn, quê tỉnh Hải Dương, thì nghề nào cũng cực nhưng bắt cào cào ổn định hơn trồng lúa ở quê nhà. “Chỉ những ngày mưa to, gió lớn mới phải treo vợt ở nhà thôi. Tôi vào đây làm hơn 1 năm và đã đón vợ cùng 2 con vô TP HCM ở trọ, hy vọng con cái được ăn học đàng hoàng” - anh kỳ vọng.
Tại điểm thu mua của bà Lao, vừa cặm cụi cho cào cào vào bịch ni-lông, Nguyễn Hoàng Phong, quê tỉnh Hậu Giang, vừa cho biết: “Ở quê, em vác lúa mướn cho người ta, cứ 1 tấn được 30.000 đồng, mỗi ngày cố gắng cũng vác được chục tấn nhưng cực và đau lưng lắm. Được ông chú rủ lên đây bắt cào cào, em làm nửa tháng rồi, mỗi ngày kiếm được gần 200.000 đồng. Ra đồng vui lắm!”.
“Cây vợt vàng” Anh Nguyễn Văn Hải, con trai thứ 4 của ông Năm Cắt, được nhiều người trong nghề bắt cào cào xem như “cây vợt vàng”. Chỉ cần 2 giờ quơ vợt trên đồng ruộng, anh bắt được hơn 50 xâu cào cào, kiếm được trên 500.000 đồng. Khi chúng tôi hỏi bí quyết bắt cào cào, anh Hải cười tươi: “Có bí quyết gì đâu! Tui cầm vợt từ năm 17 tuổi, đến giờ đã gần 17 năm rồi, chủ yếu là thuần thục thôi. Nghề này khó nhất là phải biết cách nhìn đồng cỏ có cào cào hay không. Kinh nghiệm đơn giản là khoanh vùng. Vùng nào có cào cào thì chắc chắn sẽ có hoài. Cứ mỗi đợt nắng chang chang, sau một cơn mưa xuống, chờ 10 -15 ngày là cào cào đầy ruộng, tha hồ mà vợt”. |
Theo Thu Hồng
Người lao động