Nghệ An: Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ Chương trình Sữa học đường

Học sinh tại các xã vùng 135 của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được uống sữa học đường đều đặn 5 hộp/tuần trong suốt năm học
Học sinh tại các xã vùng 135 của huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) được uống sữa học đường đều đặn 5 hộp/tuần trong suốt năm học
Trong tổng số hơn 300 tỷ đồng triển khai Chương trình Sữa học đường Nghệ An, đã có hàng trăm tỷ đồng từ nhà tài trợ hỗ trợ Chương trình.

Thông tin nay được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Đề án “Thí điểm mở rộng Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2016 – 2017” ngày 7/7.

Theo Sở Y tế tỉnh Nghệ An, đề án “Thí điểm mở rộng Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017” được ban hành theo Quyết định số 4971/QĐ-UBND ngày 12/10/2016 của UBND tỉnh, là Đề án triển khai theo Quyết định 1340/QĐ-TTg và Quyết định 641/QĐ-TTg (phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc của người Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2030) của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một chương trình an sinh xã hội của tỉnh nhằm nâng cao thể lực, trí lực cho học sinh mẫu giáo, tiểu học.

Kết quả, trong năm học 2016-2017 có 311.733 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đã đăng ký tham gia Chương trình, đạt 69% số học sinh toàn tỉnh. Nghệ An cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai Chương trình trên diện rộng (toàn tỉnh, ở cả 2 cấp học mẫu giáo, tiểu học).

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và các huyện triển khai Đề án đánh giá, Chương trình Sữa học đường thể hiện được tính nhân văn sâu sắc, có tác động tích cực đối với sự phát triển thể chất của trẻ. Việc được uống sữa thường xuyên đã góp phần giúp học sinh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Đặc biệt, việc triển khai Đề án giúp phụ huynh yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sữa tại trường do có sự phối hợp thẩm định, giám sát của ngành Giáo dục, Y tế; giảm bớt gánh nặng chi phí mua sữa cho phụ huynh so với mua trên thị trường.

Kết thúc năm học 2016-2017, đánh giá thể lực học sinh tại các huyện cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng trong nhóm trẻ mẫu giáo tiểu học có uống sữa học đường giảm mạnh.

Ông Lê Minh Thông nhận định, Đề án triển khai thành công là nhờ sự nỗ lực của các phòng Giáo dục, các thầy cô giáo. Thực tế, nơi nào cấp ủy chính quyền địa phương tích cực, các thầy cô giáo tích cực thì số học sinh được uống sữa tại trường rất cao. Đặc biệt là các huyện miền núi, nhiều huyện đạt tỷ lệ trên 80% học sinh tham gia, trong đó có huyện Quỳ Châu đạt tới 94%.

Nghệ An: Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ Chương trình Sữa học đường ảnh 1

Ông Lê Minh Thông- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chủ trì Hội nghị

Có được tỷ lệ này là nhờ tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ chi phí sử dụng sản phẩm sữa cho học sinh: học sinh diện hộ nghèo được hỗ trợ 100%; học sinh thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các học sinh còn lại được hỗ trợ 30%. Năm học 2016-2017 có tới hơn 57.000 học sinh mẫu giáo, tiểu học thuộc diện hộ nghèo được uống sữa miễn phí tại trường.

Cũng theo ông Thông, Tập đoàn TH được UBND tỉnh Nghệ An lựa chọn là nhà tài trợ triển khai Quyết định số 4971/QĐ-UBND và là nhân tố quan trọng để triển khai thành công Đề án vì đã đồng hành cùng UBND tỉnh thực hiện được các cơ chế hỗ trợ học sinh uống sữa học đường; có đủ nguồn lực tài chính, đủ năng lực vận hành và năng lực sản xuất cung ứng sữa cho Chương trình; có sản phẩm sữa tươi học đường TH school MILK phù hợp với tiêu chuẩn sữa tươi học đường do Bộ Y tế ban hành (theo Quyết định 5450/QĐ-BYT), bổ sung các vi chất dinh dưỡng phù hợp với sự hấp thu của trẻ.

Nghệ An: Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ Chương trình Sữa học đường ảnh 2

Hội nghị đã trao 13 bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc khi triển khai Chương trình

Kết thúc năm học, phần chi phí hỗ trợ Chương trình đạt hơn 153 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn TH hỗ trợ hơn 138 tỷ đồng.

Tập đoàn TH cũng thực hiện cam kết mạnh mẽ trong vận hành Chương trình khi cung ứng sữa tới các điểm trường xa xôi nhất, đặc biệt là tại các huyện miền núi. Trong danh sách các huyện tham gia Chương trình, có thể dễ nhận thấy các huyện khó khăn, xa xôi nhất, có tỷ lệ học sinh nghèo và cận nghèo nhiều lại tham gia với tỷ lệ cao nhất. Dù phục vụ ở các địa bàn gian khó với tỷ lệ học sinh được hỗ trợ cao nhưng tập đoàn TH vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã cam kết với tỉnh.

Báo cáo tham luận của 6 huyện thị tại Hội nghị đều nhất trí đề nghị tiếp tục triển khai Đề án trong 3 năm tới. Đề nghị này cũng nhận được sự đồng thuận của các huyện thị tham dự Hội nghị. Với hiệu quả tích cực của Đề án, ông Lê Minh Thông khẳng định UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chương trình Sữa học đường trong 3 năm tới 2017-2020 theo đúng tinh thần Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mong muốn tập đoàn TH tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Nghệ An trong Chương trình này.

Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học đề ra các mục tiêu chính: Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa; 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học thành thị, nông thôn được uống sữa; Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học, đạt 90 -95% vào năm 2020; Đến 2020, chiều cao trung bình của trẻ độ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 – 2cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.
MỚI - NÓNG