Ngày mai, hai bộ trưởng trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Ngày 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
TPO - Tiếp nối phiên họp thứ 22, ngày 19/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Đổi mới chất vấn

Trong buổi sáng ngày 19/3, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhóm vấn đề:

Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh về nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).

Việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội được tiến hành theo nhóm vấn đề, người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Lần này, cơ quan thường trực của Quốc hội  thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”, theo hướng đại biểu nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần; người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu, thời gian không quá 3 phút mỗi lần. Trường hợp đại biểu chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận; thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

718 văn bản đã được thẩm định

Báo cáo trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, đề nghị của Chính phủ đã bám sát và thể hiện rõ thứ tự ưu tiên cho các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định tổng số 718 văn bản, trong đó có 93 đề nghị và dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết (44 đề nghị xây dựng luật, 02 đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội; 34 dự án luật, 07 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 02 dự thảo nghị quyết của UBTVQH).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Long cũng cho biết, vẫn còn tình trạng phải điều chỉnh Chương trình (năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình; năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình).

Trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 02 kỳ thành 03 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Cũng theo người đứng đầu ngành tư pháp, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm, cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 09 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Long cũng thừa nhận, việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó hạn chế lớn nhất là tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể, tính đến ngày 12/3/2018 còn nợ 22 văn bản (10 nghị định, 02 quyết định, 08 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 11 luật, pháp lệnh.

MỚI - NÓNG