Ngày Khao lề thế lính

Đua thuyền câu với hình nhân những phu binh Hoàng Sa ra khơi
Đua thuyền câu với hình nhân những phu binh Hoàng Sa ra khơi
TP - Hôm qua (16-3 âm lịch), đến hẹn lại lên, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi diễn ra trang nghiêm. Người ta ngóng đợi thuyền trưởng Trần Hiền - đang bị phía Trung Quốc bắt giữ cùng 20 ngư dân ở Hoàng Sa - trở về trong ngày này như thuyền trưởng Mai Phụng Lưu mấy năm trước. Nhưng rồi, chỉ thấy hình ảnh cương cường, của lão ngư Trần Mười - cha của Trần Hiền, và dập dềnh những thuyền hình nhân.

> Khai lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ông Hoàng Sa linh thiêng

Thùng… thùng… thùng! Tại Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, ông Trần Mười (69 tuổi) đánh những hồi trống để cúng vong linh các chiến binh Hoàng Sa.

Hôm nay, bà con từ đình An Vĩnh sẽ đến rước sắc chiến binh Hoàng Sa về làm lễ Khao lề thế lính.

Dù đã có tuổi nhưng vóc người của ông Trần Mười vẫn vạm vỡ với chiều cao khoảng 1,75 m, cánh tay dài như chiếc sào, mặt hằn lên nét gân guốc, ánh mắt đầy thần sắc...

Đó là cha ruột của thuyền trưởng Trần Hiền đang bị Trung Quốc giam giữ ở Hoàng Sa. Đúng như người ta nói, ông Mười là một lão kình ngư đầy uy lực!

Ngày 16-3 âm lịch hằng năm, người dân trên đảo Lý Sơn lại tổ chức làm lễ Khao lề thế lính để tưởng nhớ những chiến binh đã hy sinh mấy trăm năm về trước, khi phụng mệnh triều đình ra trấn giữ Hoàng Sa.

Năm nay, trong buổi lễ, nhiều người nhắc đến chuyện 21 ngư dân trên hai tàu của Trần Hiền và Lê Vinh đang bị Trung Quốc bắt giữ ở Hoàng Sa từ ngày 3-3-2012.

Khí chất như thép của lão ngư Trần Mười khi nói về Hoàng Sa
Khí chất như thép của lão ngư Trần Mười khi nói về Hoàng Sa .

Nhớ 2 năm trước, phía Trung Quốc bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân Tiêu Viết Là ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Mai Phụng Lưu ở huyện đảo Lý Sơn. Phía Trung Quốc đòi tiền chuộc là 70.000 nhân dân tệ/tàu.

Các ngư dân cương quyết không nộp phạt. Tròn 1 tháng 8 ngày giam giữ, Trung Quốc đã dồn tất cả 23 ngư dân lên chiếc tàu nhỏ của ông Mai Phụng Lưu và đẩy về quê. Riêng con tàu của ngư dân Tiêu Viết Là thì bị tịch thu thay cho tiền nộp phạt.

Lần ấy, tàu chở 23 ngư dân về đến đảo Lý Sơn đúng vào ngày Khao lề thế lính.

Lần đó, một người nhà của ngư dân kể, chị đã lên miếu thờ và xin ông Hoàng Sa phù hộ để chồng con trở về. Xin xong đúng 3 ngày, mấy ông trở về quê cái rẹt!

Đó chỉ là một sự ngẫu nhiên. Nhưng câu chuyện đã trở thành một kiểu niềm tin trong lòng ngư dân Hoàng Sa. Chính vì vậy, lần này, nhiều người đã đến đình xin ông Hoàng Sa linh thiêng tiếp tục phù hộ cho các ngư dân trở về.

Không thể cản đường ra Hoàng Sa

Đua thuyền câu với hình nhân những phu binh Hoàng Sa ra khơi
Đua thuyền câu với hình nhân những phu binh Hoàng Sa ra khơi.
 

“Biển đảo Hoàng Sa nhất định là của Việt Nam. Bác đã nói với vợ thằng Hiền là nếu nó điện về thì cũng cương quyết nhắc lại lời ba là không nộp tiền phạt. Nếu phạt được thì họ ăn quen”.

Vừa nói, ông Trần Mười vừa vung bàn tay chỉ về phía biển. Dù đã già, nhưng đôi tay của ông vẫn rắn chắc. Ông Mười kể, khi có tuổi phải nghỉ biển, ông chuyển giao nghề nghiệp cho thằng con đi Hoàng Sa.

Ông Mười đã mưu sinh ở Hoàng Sa suốt 20 năm. Mỗi khi xuất bến đi Hoàng Sa, ông Mười chạy vào Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa thắp hương và cáo với tiên linh, ông bà.

Thời ông Mười, các ngư dân hành nghề lặn ở Hoàng Sa thiếu nhiều máy móc. Vậy là lặn chay. Mỗi ngư dân ôm quả đạn pháo 105 (ruột bên trong là bê tông) để tăng thêm trọng lượng. Các ngư dân lao chúi đầu xuống đáy biển ở độ sâu 50m.

Cứ vài phút thì nổi lên. Cuộc sống dưới nước quanh năm đã tạo cho các ngư dân một cơ thể cường tráng hơn người. Hiện nay gần 70 tuổi, ông Mười vẫn có thể vung tay bơi sải hàng cây số trên biển.

“Có lẽ ngày Khao lề nó sẽ về”, nhắc đến con, ông Mười thổ lộ với niềm hy vọng mơ hồ. Nhưng, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã mãn, tiếng trống thùng thùng đã hòa vào biển ngút ngàn, những con tàu chở hình nhân đã phiêu dạt giữa trùng khơi.

Vậy nhưng người thân của các ngư dân vẫn biệt tăm. Từ ngày các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ ở quần đảo Hoàng Sa, phía Trung Quốc đã cho thuyền trưởng Trần Hiền điện về nhà 4 lần. Không đòi được tiền, ngư dân bị cắt liên lạc.

5 chiếc thuyền buồm được mô phỏng theo hình những chiếc thuyền câu tư của lính Hoàng Sa thời trước được phục dựng.

Tìm một tấm ảnh cũ, tôi chợt giật mình, thì ra những năm trước đây, lão ngư già Trần Mười chính là người dẫn đầu đoàn binh phu cùng các trai tráng khiêng những chiếc thuyền lính Hoàng Sa để thả về biển.

Năm nay, 5 chiếc thuyền câu chở hình nhân ra khơi được gia cố đáy thuyền rộng, trọng lượng cao hơn con thuyền để vượt sóng.

Những hình nhân dù chỉ là hình tượng, dù chỉ là những vật vô tri, nhưng trong tâm trí những người dân, đó là những chiến binh Hoàng Sa bằng xương bằng thịt.

Ngày xưa, những binh phu Hoàng Sa ra khơi, trong lòng người ở lại vang lên câu ca não nề: “Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về…”.

21 ngư dân chưa trở về. Người thân của họ dù buồn nhưng vẫn vững vàng, không chao đảo. Những người vợ, người mẹ của các ngư dân, tâm tình: “Nhờ Nhà nước đấu tranh để thả người. Không nộp tiền cho Trung Quốc. Hoàng Sa là của Việt Nam ta thì sao lại mang tiền dâng cho họ?”.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã mãn, tôi nhìn ông Trần Mười với ánh mắt chia sẻ sự thông cảm khi thằng con trai của ông vẫn đang bị giam giữ ở Hoàng Sa.

Lão ngư có sức vóc như lực điền này nói thật hào sảng: “Nếu Trung Quốc bắt rồi thả thì hôm sau con tôi lại đi Hoàng Sa. Không ai có thể cấm đường ra Hoàng Sa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG