Ngày khai mạc thượng đỉnh APEC: Có thể mưa rất to

TP - Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo Hạn vừa & Hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa to ở miền Trung có thể diễn ra vài ngày trong đó có 6/11, ngày khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Dự báo khó nhất kể từ đầu mùa

Thưa ông, vì sao bão Damrey được cho là khó dự báo nhất so với các cơn bão trong năm nay?

TS Hoàng Phúc Lâm: Nếu chính vụ, dự báo nhìn chung chính xác hơn vì ít có tương tác giữa nhiều hệ thống thời tiết khác nhau. Chẳng hạn, bão số 10 hồi giữa tháng 9 thuộc loại mạnh đổ bộ vào các tỉnh bắc miền Trung được dự báo khác chính xác. Nhưng Damry là cơn bão cuối mùa và, theo kinh nghiệm không chỉ ở Việt Nam, dự báo thường khó nhất. Hơn nữa, một đợt không khí lạnh đang tràn xuống, khiến nó diễn biến phức tạp hơn, mưa to hơn, lâu hơn.

Dự kiến khoảng bao giờ và ở đâu, bão và không khí lạnh sẽ gặp nhau?

Chúng tôi vẫn chưa thể chắc chắn vùng cụ thể nào. Nói chung cực kỳ khó xác định thời điểm và vị trí tương tác, ngoài biển hay trên đất liền, cũng như khó trả lời cụ thể khi nào chúng suy yếu.

Tại sao rất khó dự báo trạng thái tương tác?

Không khí lạnh là khối áp cao trong khi bão là khối áp thấp. Khi hai hình thái thời tiết này tiến gần nhau, áp cao không khí lạnh càng cao và áp thấp của bão càng thấp. Điều đó càng làm tăng độ dốc mặt đẳng áp hay gia tăng chênh lệch khí áp giữa hệ thống áp cao phía bắc và cơn bão phía nam, khiến gió càng mạnh.

Khối không khí lạnh có đặc tính là lạnh và khô trong khi bão muốn sống được cần có không khí nóng và độ ẩm. Khi không khí lạnh xâm nhập, bão có thể yếu đi. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản vậy. Tương tác ấy rất phức tạp và khó lường. 

Với sự phức tạp như vậy, các ông dự báo vùng có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất của bão Damrey thế nào?

Tuỳ thuộc tương tác giữa hai hình thái nêu trên. Nếu bão đổ bộ sớm hơn không khí lạnh, vùng chịu ảnh hưởng của bão với cấp gió 10-11 có thể là các tỉnh Quảng Nam - Bình Định hoặc xuống thấp hơn là Nha Trang - Khánh Hòa. Còn nếu chịu ảnh hưởng  sớm của không khí lạnh, bão sẽ giảm cấp. Tuy nhiên, điều ấy có thể nguy hiểm hơn. Bão dịch chuyển xuống phía nam là những nơi rất dễ bị tổn thương bởi mưa to gió lớn.

Từ những gì xảy ra trước đó trong công tác dự báo, ông có thể cho biết khả năng sai số đối với dự báo lần này ra sao?

Chúng tôi vẫn dự kiến bão sẽ gây mưa to, gió mạnh từ đêm 3/11 và đổ bộ khoảng sáng sớm 4/11. Trong vòng 48 tiếng trước khi bão vào, khả năng sai số về vị trí tâm bão đổ bộ sẽ là 200 - 250 km.

12 cơn bão/năm chưa phải kỷ lục

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia: Lưu ý, bão là một thực thể rộng lớn chứ không chỉ có tâm bão. Nếu chỉ theo dõi vị trí tâm bão đổ bộ sẽ rất nguy hiểm. Chẳng hạn, trong khi dự kiến tâm bão có thể đổ bộ các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hoà thì vùng ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều, có thể trải từ Thừa Thiên Huế đến tận Bà Rịa - Vũng Tàu.

Với 12 cơn bão vào trên biển đông đến thời điểm này, năm nay liệu có thể được coi “được mùa bão” so với các năm không?

Ông Lê Thanh Hải: Cũng không hẳn. Ba năm trước, từ 2014-2016, do tác động của El Nino, mỗi năm chỉ có trung bình 7-8 cơn bão trong đó ảnh hưởng đến VN chỉ 2-3 cơn. Năm nay, nhiệt độ đại dương trở về trung tính, số cơn bão có tăng lên như ta thấy song vẫn chưa phải kỷ lục nếu biết năm 2013 từng có 14 cơn bão ở biển đông.

Từ giờ đến cuối năm, theo ông, liệu còn cơn bão nào trên biển đông không?

Có thể có thêm 1-2 cơn, không kể áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG