Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Nơi ‘gác cổng’ an toàn, quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trường đại học, cao đẳng là nơi gác cổng an toàn đối với người trẻ trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Trường Đại học (ĐH) Hà Nội là một trong hai đơn vị được Công an Thành phố Hà Nội lựa chọn là điểm tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2024. Sự kiện có sự tham dự của đại diện các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội.

Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Nơi ‘gác cổng’ an toàn, quan trọng ảnh 1

Người trẻ với biển đảo Tổ quốc. Ảnh: Dương Triều

Theo kết quả một cuộc điều tra quy mô nhỏ được Trường ĐH Hà Nội thực hiện đối với sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội, có 96,2% sinh viên xác nhận sử dụng Facebook; kênh Youtube (70,2%); ngoài ra là Instagram (56,7%), Twitter (16,3%), Reddit (12,5%); 5,8% sinh viên còn sử dụng một số mạng xã hội khác như là Tumblr, Weilo, Zalo, 9gag và Lotus.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội đánh giá giảng viên, sinh viên thường xuyên tham gia những cộng đồng, diễn đàn lớn theo lứa tuổi, nghề nghiệp, sở thích ... trên mạng xã hội. Trong các cộng đồng, hội nhóm, diễn đàn này, họ vừa là người tiếp thu, lĩnh hội, vừa là người chia sẻ thông tin với tốc độ và quy mô lớn. Vì vậy, đây là những môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền thông tin chống phá Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đây cũng là những diễn đàn giúp lan tỏa, truyền bá, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, cung cấp thông tin chính trị - xã hội đúng đắn để từ đó định hướng về tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho giảng viên, sinh viên.

Nắm bắt được vấn đề này, mấy năm nay, Trường ĐH Hà Nội đã triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nắm bắt dư luận, định hướng tuyên truyền trong cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường, phục vụ công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhà trường chủ động nhắc nhở cán bộ, viên chức, người lao động và người học tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện nhiệm vụ; nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội. Nhà trường cũng tiến hành các hoạt động khảo sát trực tuyến để nắm bắt dư luận nhằm định hướng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, của Bộ Công an về đảm bảo an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tới học viên, sinh viên.

Vai trò của người trẻ

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang rất phức tạp như hiện nay, có được cuộc sống yên bình là một điều hạnh phúc.

Theo ông Phong, Hà Nội có quy mô dân số khoảng 10 triệu người, là nơi đang có tốc độ đô thị hóa, phát triển nhanh, là trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước, trung tâm hội nhập quốc tế. Đồng thời, Hà Nội là nơi có tới 65% các trường ĐH, CĐ, Học viện, 65% tri thức của cả nước, với trên 1 triệu sinh viên. Hà Nội là trung tâm các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá, bằng nhiều hình thức khác nhau, ngày càng thâm độc.

“Một trong những đối tượng mà thế lực này hướng đến là giảng viên trẻ và sinh viên. Hà Nội vẫn giữ được sự ổn định là nhờ sự vào cuộc rất trách nhiệm của Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường trên địa bàn”, ông Phong nói và cho rằng các trường luôn xác định vấn đề bảo vệ an ninh tổ quốc là hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không được mất cảnh giác.

Ông Phong cũng chỉ ra rằng từ trước đến nay, phương thức tấn công của thế lực thù địch đối với các nước xã hội chủ nghĩa không thay đổi đó chính là tấn công vào giới trẻ. Vì vậy, ông rất mong các trường tránh tuyệt đối quan điểm trường học chỉ là nơi đào tạo kiến thức. Trường học còn phải giáo dục, tạo dựng được mô hình giáo dục toàn diện trong đó có giáo dục ý thức công dân, giáo dục pháp luật, giáo dục niềm tự hào, tự tôn dân tộc.

Ông Phong nhấn mạnh Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội phải quan tâm đến giảng viên trẻ. Hiện nay có tỉ lệ không nhỏ giảng viên được đào tạo cơ bản ở nước ngoài từ phổ thông, không có tiết học nào được học về Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng HCM.

“Nói gì thì nói, mưa dầm thấm đất, việc chịu ảnh hưởng của các nước sở tại với họ là bình thường. Nhưng vấn đề khi đã về Việt Nam, câu chuyện quản lí, hướng dẫn, phát huy thế nào phụ thuộc vào từng nhà trường, từng khoa, từng bộ môn. Ở một số nơi, những việc đáng tiếc đã xảy ra”, ông Phong chia sẻ.

Với sinh viên, ông Phong mong muốn các em phải có ý thức tự hoàn thiện bản thân. Trước hết là hoàn thiện mình về việc tiếp nhận, tuân thủ pháp luật. Nêu cao ý thức công dân, có tinh thần cộng đồng, thấy sai phải đấu tranh, lên án, thấy đúng phải ủng hộ; không cổ súy nội dung sai lệch về văn hóa, bản sắc dân tộc, sai lệch tư tưởng, đường lối... Đóng góp của sinh viên vào việc bảo vệ an ninh Tổ quốc bằng những hành động thiết thực, cụ thể như tham gia giao thông đúng luật, không like bài viết phản động, tuân thủ ý thức pháp luật, tự tin tự hào bản sắc văn hóa chính trị là văn hóa người Việt.

“Đối với sinh viên, thầy cô không chỉ là tấm gương, người cung cấp kiến thức, nếu thầy cô cũng dao động, không kiên định bản lĩnh thì tác động đến sinh viên vô cùng lớn”, ông Phong khẳng định.

MỚI - NÓNG