Phải nâng giá trị hạt gạo
Ngày 6/11, chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ĐB Chau Chắc (An Giang) đánh giá, thời gian qua ngành nông nghiệp không ngừng phát triển, tuy nhiên giá lúa còn bấp bênh. ĐB chất vấn Bộ trưởng về giải pháp phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, nhiều bấp bênh. Trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo. Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này.
“Hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác và 4,1 triệu ha diện tích đất lúa, tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng nửa triệu ha đất, tương đương giảm 5-6 triệu tấn thóc. Thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn. Song chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được”, ông Cường cho hay.
“Tư lệnh ngành” cũng tiết lộ, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cùng nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã đầu tư vào lĩnh vực này. Ở Quảng Trị vừa qua đã xây dựng mô hình 600 ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh tuý nhất của hạt gạo. “Đây là hướng đi đúng và chúng ta sẽ nâng cao giá trị hạt gạo”, ông Cường khẳng định.
Chế biến, lưu thông còn hạn chế
ĐB Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) chất vấn giải pháp phục hồi chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tránh việc được mùa mất giá? Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn, với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp đứng nhất thế giới về sản lượng. Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được khâu chế biến thì không thể dập được chuyện “nay được, mai mất”.
Bộ trưởng cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, không ai dự báo được nay mai giá sẽ như thế nào. “Vàng lên giá biến động, dầu hỏa giá biến động, chúng ta phải trên cục diện chung để định hướng”, sản phẩm nhiều, thừa là tất yếu. “Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một”, Bộ trưởng Cường nêu quan điểm.
Ai có tiềm lực thì tự đóng tàu
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết Nghị định số 67 của Chính phủ mang lại hiệu quả nhất định, tuy nhiên, đến nay có 55 tàu, trong đó có 36 tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không duy tu, bảo dưỡng, không thực hiện đăng kiểm trở lại. Nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng và xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ đánh bắt xa bờ để trục lợi. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cho việc này?
Theo Bộ trưởng Cường, Nghị định 67 ban hành năm 2014 trong một bối cảnh rất cần hỗ trợ đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường để đảm bảo phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Hai nội dung này song trùng, vì năm 2014 xuất hiện hiện tượng các vấn đề của biển Đông rất phức tạp. Đến nay đã phát triển được 1.030 phương tiện, bằng ba loại vật liệu sắt, composite và gỗ.
Riêng tàu sắt, trong tổng số 358 chiếc, theo Bộ trưởng, đây là phương tiện mới. Do vậy quá trình đóng còn để xảy ra 40 tàu hỏng, trong đó có 21 tàu của Bình Định, còn 19 tàu khác hỏng nhỏ, sửa chữa được ngay. Đáng lưu ý, hiện còn 55 chiếc tàu đóng theo Nghị định số 67 nằm bờ không ra khơi được. Nguyên nhân được chỉ ra là đánh bắt không hiệu quả bởi ngư trường hiện nay quá tải, một số chủ tàu muốn chuyển đổi…
Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách, trong đó xác định rõ, trước hết về vấn đề tiềm năng ngư trường chúng ta không khuyến khích nhiều. Cơ chế đóng tàu sẽ thay đổi, vì phương thức này không có tác dụng nhiều và tạo ra một tâm lý ỷ lại và theo đuổi ngân hàng rất vất vả. “Ai có đủ điều kiện ra khơi, ai có năng lực, ai có kinh nghiệm, ai có tiềm lực thì tự đóng tàu và Nhà nước hỗ trợ tối đa 35%, với trị giá từ 6-8 tỷ tùy loại công suất”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời thông tin, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tổng kết Nghị định 67 để đưa ra các quyết sách riêng.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm“Bộ trưởng nói hiện nay khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Sắp số là tùy Bộ trưởng, nhưng theo tôi khâu tổ chức sản xuất vẫn là khâu gốc của vấn đề. Để nông nghiệp phát triển bền vững và phát huy đúng tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam thì khâu tổ chức sản xuất phải là khâu gốc, khâu được quan tâm nhiều nhất”. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường“Khâu chế biến của chúng ta đang rất kém, hầu hết là xuất thô, không phải nói thế là coi nhẹ khâu sản xuất. Nếu chúng ta làm được một nhà máy tốt, quay trở lại hình thành những vùng nguyên liệu thật tốt, còn đương nhiên xuất khẩu nước ngoài mà không đảm bảo chất lượng thì không xuất được”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
“Vì sao các hành vi phạm tội trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý?”.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng
“Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án vào ngày 16/8/2018. Qua quá trình điều tra, đến ngày 9/1/2019, đã có kết luận số 03 của Cơ quan An ninh điều tra, kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố. Hiện nay vụ án sắp được đưa ra xét xử”.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm