Ngập lụt tăng, sức mua giảm

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ngập úng làm đảo lộn cuộc sống, gây thiệt hại nặng nề cho hàng nghìn hộ dân, làm giảm sức mua, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của TPHCM song công tác chống ngập cấp bách, khơi thông các điểm “nghẽn”, khôi phục hệ thống thoát nước gần đây lại được thực hiện một cách chậm chạp.

Tại cuộc họp thường kỳ về kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm diễn ra vào ngày 28/10, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Sử Ngọc Anh cho biết, trong tháng 10 xuất hiện nhiều trận mưa lớn vượt tần suất thiết kế của hệ thống cống, gây ra tổ hợp bất lợi (mưa lớn kết hợp triều cường) làm ngập nặng nhiều tuyến đường, gây khó khăn cho đời sống người dân. Tình trạng ngập úng diễn ra nhiều nơi đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Ngập úng tăng, sức mua giảm

Ông Anh dẫn chứng: “Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 ước đạt khoảng 56.569 tỷ đồng, giảm 1,13% so với tháng trước và tăng 2,72% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng đến 8,8%). Ngoài lí do dịch vụ lữ hành giảm theo quy luật hàng năm, trong tháng 10 có nhiều đợt mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập nhiều nơi trong thành phố đã ảnh hưởng đến sức mua của người dân”.

Ông Sử Ngọc Anh cũng cho biết tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các vị trí lấn chiếm kênh rạch, cửa xả làm hạn chế khả năng tiêu thoát nước, gây ngập úng còn rất chậm. Theo thống kê của trung tâm chống ngập, hệ thống thoát nước bị xâm hại tại 15 vị trí nhưng trong 10 tháng qua TPHCM mới khắc phục được 7 vị trí (trong tháng 10 xử lý được 2 vị trí). 8 vị trí còn lại đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị liên quan khắc phục.

Kênh rạch thoát nước có 65 vị trí bị lấn chiếm nhưng mới xử lý được 7 vị trí, 58 vị trí còn lại đang thực hiện.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TPHCM đã trực tiếp  xuống kiểm tra thực tế tại một số điểm ngập nặng. Đầu tháng 11, Thường trực Ủy ban sẽ họp đánh giá kết quả chuyển biến thế nào chứ không nói chung chung nữa.

“Nghe trung tâm chống ngập báo cáo, xuống kiểm tra thực tế mới thấy có những vấn đề phải chỉ đạo quyết liệt chứ không chỉ kiểm tra, nghe báo cáo và họp…. Phải xem các giải pháp chống ngập trước mắt và lâu dài là gì. Mương Nhật Bản, kênh A.41, trước mắt cần phải làm gì để đảm bảo tiêu thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất. Về lâu dài thì phải giải tỏa nhà lấn chiếm, kinh phí chắc chắn rất lớn. Hôm rồi, tôi với Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa đi kiểm tra dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Dự án đang triển khai tốt nhưng mình chưa đáp ứng kịp thời về vốn cho nhà đầu tư”, ông Phong nói.

Giảm mùi hôi, tai nạn giao thông

Điểm “sáng” trong công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TPHCM là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong tháng đã được cải thiện. Theo Công an TPHCM, nếu trong 9 tháng đầu năm TNGT ở thành phố tăng cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ thì trong tháng 10 đã giảm cả ba tiêu chí. Cụ thể: TNGT xảy ra 317 vụ, làm chết 57 người, bị thương 250 người, so với cùng kỳ giảm 40 vụ (tỷ lệ 11,2%), giảm 9 người chết (tỷ lệ 13,63%) và giảm 61 người bị thương (tỷ lệ 16,6%).

Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết vụ bãi rác Đa Phước, quyết tâm của lãnh đạo thành phố là làm triệt để. Từ bài học Đa Phước, UBND TPHCM xem xét cả bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi) vì nơi này cũng chưa tốt.

Ông Hoan cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã có danh sách cụ thể nhóm tư vấn độc lập tư vấn cho lãnh đạo thành phố giải quyết vấn đề Đa Phước, Phước Hiệp một cách tổng thể, khoa học và khách quan chứ không phải chỉ giám sát như hiện nay. Xây dựng tiêu chí, cơ sở, công nghệ thì mới quản lý chặt chẽ được. Ngoài ra, thành phố yêu cầu nghiên cứu, vận chuyển rác vào ban đêm nhằm hạn chế ô nhiễm, ùn tắc và phải vệ sinh sạch sẽ từ khâu thu gom đến khi xe ra khỏi bãi rác. Thu gom rác dân lập sắp tới cũng sẽ chuyển đổi sang phương tiện đảm bảo vệ sinh thay vì xe tự chế như hiện nay..

Về chủ trương bỏ xe công, ông Hoa cho biết đây là một hình thức tiết kiệm. Nhiều phương án đang được UBND TPHCM xem xét như thuê taxi hoặc tự đi xe cá nhân… Các giải pháp này sẽ được tổng hợp, báo cáo với thường trực UBND TP và triển khai sớm.

MỚI - NÓNG