Ngang nhiên sách giả như thật

0:00 / 0:00
0:00
Phát hiện hàng nghìn cuốn sách lậu, giả tại cơ sở ở quận Nam Từ Liêm,Hà Nội tháng 9/2020. Ảnh: đạt lê
Phát hiện hàng nghìn cuốn sách lậu, giả tại cơ sở ở quận Nam Từ Liêm,Hà Nội tháng 9/2020. Ảnh: đạt lê
TP - Sau hàng loạt các động thái thu, phạt, cảnh cáo... của các cơ quan chức năng, sách giả không những ít đi còn có phần nở rộ hơn. Gần đây, trên mạng xã hội, sách giả được chào bán công khai với giá chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/8 giá bìa, cá biệt có những đầu sách mới ra được giới thiệu giá 1.000 đồng.

Sự việc này đã làm những “kẻ nghiện sách” tương đối hoang mang, còn những người làm sách thì... tuyệt vọng!

Sách mới ra cũng chiết khấu 70%

Một người bạn của tôi có ý định mở quán cà phê sách hướng tới đối tượng khách hàng trẻ và thích đọc. Đến công đoạn nhập sách, bạn tìm đến các NXB đặt vấn đề và nhận được những câu trả lời giống nhau: nếu là sách mới thì chiết khấu tối đa được 30% nhưng với điều kiện phải mua số lượng lớn (khoảng 100 cuốn trở lên), nếu mua lẻ thì chỉ giảm 10-15% giá bìa.

Biết chuyện, chị N.T.T (Hà Nội) giới thiệu cho bạn một “đầu nậu” chuyên bán sách mới với chiết khấu khủng: 50-70% giá bìa và mua bao nhiêu cũng có. Lô đầu tiên bạn nhập về chủ yếu là các đầu sách đang nằm trong top bán chạy trên các trang sách trực tuyến, song đáng nói, 100% là sách lậu.

Sau khi nhóm chúng tôi xác thực số sách của bạn là lậu (bằng cách đối chiếu với sách mua trực tiếp ở NXB, có sự khác nhau cơ bản về loại giấy và chất lượng in) chính chị T cũng “sốc”. Trước đó chị T thường xuyên mua sách của “đầu nậu” này để lập tủ sách cho trẻ vùng cao và nông thôn.

Lần thứ hai gặp “đầu nậu”, khi mặn chuyện người này cho biết: bán cho loại khách lẻ như chúng tôi chỉ là “cho vui” chứ lời lãi ít. Khách ruột của kho sách lậu này chính là những trang bán sách online trên mạng: facebook, shoppe, lazada... họ thường mua số lượng lớn và định kỳ. Một loại đối tượng mua khác cũng rất “hứa hẹn” chính là các đại gia mua sách về bày trong nhà. “Thường họ mua theo cân, có người mua cả tạ, đựng mấy tải mới hết. Nhà các đại gia thường đóng tủ to, bày rất tốn. Họ không có thời gian đi hiệu sách mua lẻ, chỉ cần đặt chúng tôi, sau 1 ngày là có đủ đầu sách từ cổ chí kim, muốn kiểu gì cũng có. Đầu nào nhà tôi thiếu thì hỏi nhà khác bù vào. Đảm bảo tủ sách nhà chị sẽ có đủ từ Shakespeare đến Murakami...”.

Độ khoảng hơn chục năm trước, thiên đường sách lậu ở Hà Nội chính là ở những sạp bán rong dọc đường Láng, khu Thành Công, Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, trước cổng một số trường Đại học... Sách lậu lúc này còn tiết kiệm triệt để tiền in nên chất lượng rất tệ. Tôi có một bộ “50 sắc thái” bản lậu, có những đoạn không thể đọc nổi vì chữ nhòe mờ. Sau khi các sạp sách bị dẹp vì lấn chiếm vỉa hè, sách lậu tìm thấy thị trường mới của mình qua facebook và các trang bán hàng online. Mới đây nhất, công ty sách Fist New Trí Việt đã tìm ra đến 50 trang bán sách lậu công khai trên mạng. Điều đáng nói, có những trang sở hữu lượng tương tác khổng lồ, tới vài chục ngàn lượt thích và theo dõi.

Giới làm sách “khóc suốt”

Trong một hội nghị xuất bản, khi phỏng vấn nhanh giám đốc một số NXB như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Giáo Dục... về nạn sách giả, câu trả lời chung mà tôi nhận được là: “chúng tôi “khóc suốt” nhưng có ăn thua gì đâu. Có những cuốn để giảm giá thành những mong sách đến được với nhiều người hơn, NXB đã bấm bụng tính ra một số lãi rất an ủi nhưng gần như sau đó sách bị làm lậu ngay với số lượng lớn”.

Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng khẳng định: “Hầu hết những đầu sách hot của Kim Đồng đều bị in lậu. Trước đây, thỉnh thoảng mới có vài đầu sách thuộc thể loại truyện tranh bị làm giả, nhưng đợt vừa rồi bán online rất mạnh nên mọi người đặt mua về để xem thì thấy toàn là sách giả. Ngoài ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, sách giả cũng đã và đang gây ra không ít tổn thất cho chúng tôi. Chưa thể thống kê nó tác động trực tiếp đến bao nhiêu nhưng rõ ràng đợt dịch vừa qua, doanh thu của Kim Đồng đã giảm 40%”.

Vào tháng 1/2021, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã triệt phá thành công 2 kho sách giả tại quận Hà Đông với số lượng lớn chưa từng có: 40.000 bản (khối lượng lên đến 15 tấn). Các đầu sách bị làm giả thuộc nhiều đơn vị uy tín như First News - Trí Việt, NXB Trẻ, Alpha Books, Nhã Nam…

Ông Nguyễn Văn Phước - nhà sáng lập và CEO First News - Trí Việt thông tin trên trang cá nhân: “trong quý 1/2021, First News - Trí Việt đã phát hiện có đến hàng chục fanpage trên Facebook rao bán “Thay đổi cuộc sống với nhân số học” với giá thấp kỷ lục: 75.000đ, thậm chí đồng giá 19.000đ và… 1.000đ (trong khi giá sách thật là 248.000đ). First News đã kiên trì theo dõi, đặt sách nhiều lần từ các fanpage này như: Tủ sách Tinh Hoa, Kho sách Việt, Mọt sách Hà Nội v.v... và chỉ nhận về toàn sách giả, sách kém chất lượng.

Trong số các “nạn nhân” của sách giả, Trí Việt và Kim Đồng luôn nằm ở vị trí dẫn đầu với hầu hết các ấn phẩm bán chạy nhất. Cuối năm 2020, Trí Việt đã khởi kiện Lazada vì trang này cho phép các cửa hàng bán sách giả “Muôn kiếp nhân sinh”, “Đắc nhân tâm”...

Trước đó nữa, trong hội chợ sách ở Hoàng thành Thăng Long và ở Huế, sách giả đều xuất hiện công khai, đến mức Sở Thông tin - Truyền thông Thừa Thiên- Huế phải quyết định xử phạt đơn vị tổ chức Hội chợ sách xuyên Việt - Vietnam Book Fair Tour 2020 vì vi phạm trưng bày 150 đầu sách tại hội chợ không có trong danh mục được cấp phép và 175 bản xuất bản phẩm, sách không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc hợp pháp.

Phạt quá ít, lãi quá nhiều

Bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ Nữ) cho rằng: Chưa thể chấm dứt nạn sách lậu nếu vẫn giữ nguyên khung phạt nhẹ nhàng như hiện nay, trong khi lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu là rất lớn do tổ chức, cá nhân in lậu, làm giả và tiêu thụ xuất bản phẩm không phải đầu tư xây dựng đề tài, trả tiền bản quyền, nhuận bút, đóng thuế, sử dụng chất lượng in, giấy thấp…

Thực tế, hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu hiện nay chỉ là xử phạt hành chính chứ rất hiếm xử lý hình sự. Theo đó, hành vi in lậu bị phạt 30-40 triệu đồng; còn hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in lậu, in giả, in nối bản trái phép từ 300 bản trở lên bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến sách lậu ngày càng phổ biến chính là sự “tiếp tay” của đội ngũ bán sách online. “Kẻ nghiện sách” - một nickname bán sách khá uy tín biện bạch: “Ngày xưa văn nhân nhã sĩ vào thư viện xé sách về thủ làm của riêng thì được coi là một hành động có thể “tha thứ”, ngày nay, mua sách rẻ để đọc lại là “đáng lên án”. Đừng ai nói với tôi sách giờ rẻ nhé, một bộ “Trâm” của Châu Văn Văn giá hơn 500 ngàn đồng, sinh viên nghèo lấy đâu ra, trong khi giá sách lậu bằng 1/3. Mua sách lậu đôi khi là vì sách thật đắt quá mà thôi”(?!).

Một thực tế đáng buồn nữa là chất lượng sách lậu ngày càng được cải thiện. Nếu như trước đây liếc mắt là nhận ra sách lậu vì màu in thường dại, mờ, chất lượng giấy xấu, thì ngày nay, đặt sách lậu và sách thật cạnh nhau, phải “soi” kỹ lắm mới có thể nhận ra đâu là thật đâu là giả. Giải thích về hiện tượng này, một công nhân nhà in tiết lộ: họ (đội làm sách lậu) có đội ngũ chế bản riêng của mình với máy móc chụp chiếu khá hiện đại cho nên việc bắt chước sách thật không hề khó. Công nghệ làm mã số, mã vạch giả cũng đã đạt mức tinh vi “như thật”. Ngay cả tem chống hàng giả hiện nay cũng đã có thể làm giả”.

Luật sư Lê Anh Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: “Việc xử lý hành chính như lâu nay không còn tác dụng răn đe với những đối tượng làm sách lậu bởi vì lợi nhuận quá lớn so với số tiền phạt. Nhiều cơ sở in lậu sau khi bị phạt, đóng cửa chỗ này lại mở ra chỗ khác. Có lẽ chỉ có phương pháp xử lý hình sự mới đủ răn đe nạn sách giả”. 

Ngang nhiên sách giả như thật ảnh 1 “Đắc nhân tâm” lậu được rao bán công khai

Trong một khảo sát nội bộ “vì sao bạn mua sách lậu” của nhóm sinh viên ĐHKHXHNV, một thông tin rất đáng chú ý là: có đến 30% ý kiến khẳng định “vì các fanpage giới thiệu sách (lậu) quá nhiệt tình, quá hài hước và hấp dẫn (hơn hẳn trang chủ của NXB)”. Đó cũng là giải thích cho số lượt theo dõi khủng trên một số trang bán sách lậu công khai hiện nay.

 
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".