Như báo Tiền Phong phản ánh, UBND huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã thành lập đoàn kiểm tra việc doanh nghiệp đưa người đến rào đường dân sinh đi xuống biển tại ấp Ông Lang (xã Cửa Dương) gây bức xúc vừa qua.
Theo ông Võ Chí Sĩ, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Phú Quốc, đơn vị rào đường và treo bảng "không phận sự cấm vào" là Công ty Sài Gòn Sovico Phú Quốc. Sau khi cùng chính quyền địa phương kiểm tra hiện trường, ông Sĩ cùng đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với nhà đầu tư, Ban quản lý dự án của tỉnh và các ngành chức năng để tìm hiểu rõ vấn đề, giải quyết bức xúc của người dân.
Theo ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, sáng nay (7/6), Thường trực UBND huyện đã họp nghe báo cáo vụ việc. Sau khi thống nhất hướng xử lý, huyện sẽ cử cán bộ làm việc trực tiếp với các bên liên quan để giải tỏa bức xúc cho bà con ở ấp Ông Lang.
Trước đó, như Tiền Phong phản ánh ngày 4/6, hàng chục người dân ở xã Cửa Dương kéo về ấp Ông Lang căng băng rôn, phản đối doanh nghiệp lập hàng rào chặn đường xuống biển. Người dân cho rằng, đây là đường dân sinh, họ cần đi ra biển để đánh bắt hải sản cũng như ra tắm biển.
Chính quyền cũng sai?
Trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh việc người dân phản ứng việc doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án nhưng "ngăn sông, cấm biển" gây bức xúc, ông Phạm Văn Mận (Tư Mận), nguyên Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự và là nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phú Quốc cho biết: " Ở vụ này doanh nghiệp Sai Gon Sovico Phú Quốc đã sai khi tự ý làm hàng rào chắn con đường chính và huyết mạch của người dân Ông Lang đi xuống biển. Tuy nhiên, trong vụ này chính quyền cũng sai, đó là chưa cấp chỗ tái định cư cho người dân", ông Mận nói.
Theo ông Mận, khu vực bị rào chắn là đường dân sinh có từ lâu đời và là đường xuống biển liên xã Cửa Dương đi Cửa Cạn. "Đường nhựa ở trên sau này mới có, còn trước đây người dân chỉ đi đường này. Dọc theo đường xuống biển còn có nhiều mồ mã của người dân địa phương...., nên việc cư dân ở đây phản ứng là có cơ sở", ông Mận phân tích.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Trường Thi, đại diện nhà đầu tư Sai Gon Sovico Phú Quốc cho rằng, có một nhóm người dân bao chiếm đất của doanh nghiệp. Theo vị này, việc căng băng rôn phản ứng trên là "vừa ăn cướp vừa la làng". Tuy nhiên dù nói vậy, nhưng trước áp lực của dư luận doanh nghiệp này đã phải tháo bỏ tấm bảng "Không phận sự cấm vào" và thay vào đó là bảng "Du khách và người dân vui lòng đi bộ ra biển".
Bức xúc trước ý kiến trên của đại diện doanh nghiệp, một số người dân ở cạnh dự án Sovico dựng cho rằng, doanh nghiệp mới là "vừa sai vừa la làng”. "Vài ngày trước một nhóm người lạ kiểu xã hội đen chở theo hung khí vào hiện trường, chúng tôi điện báo công an thì họ mới bỏ đi. Nhiều hộ chưa được bồi thường đất mà doanh nghiệp tự ý rào chắn đường xuống biển là không chấp nhận được. Sai Gon Sovico Phú Quốc treo bảng yêu cầu người dân và du khách đi bộ, không được đi xe xuống biển. Đây là điều bất hợp lý", một cư dân cạnh dự án bức xúc.