> Thứ trưởng GD-ĐT: Ngân sách khó khăn nhưng phải đảm bảo quỹ lương
Nước nghèo, nhưng đi nước ngoài nhiều
Nhiều thông tin quan trọng về thu chi ngân sách đã được Bộ Tài chính và các địa phương cung cấp tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2014.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc ngành tài chính thu ngân sách vượt kế hoạch dự toán gần 1% là điều đáng mừng. Năm 2014, dự báo còn nhiều khó khăn thách thức, vì vậy ngành tài chính cần hết sức lưu ý tăng cường tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, không nên chủ quan.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở: “Quan điểm chỉ cho vay ưu đãi, bù cho những ngành gắn với việc đảm bảo an sinh xã hội. Hạn chế cho vay ưu đãi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Không việc gì ưu đãi cho xi măng, cán thép, do đã thừa công suất, xuất khẩu cũng không ưu đãi nữa”.
“Đề nghị nắm lại toàn bộ dự toán 2014 chi đi nước ngoài là bao nhiêu. Tôi yêu cầu tiết kiệm chi. Quản lý đi nước ngoài phải chặt chẽ”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành tài chính phải tập trung thu ngân sách đạt kế hoạch ngay từ đầu năm; tìm mọi cách ngăn trốn thuế qua tạm nhập tái xuất. Việc thu thuế phải theo đúng quy định và xử lý nghiêm gian lận thuế khi phát hiện. Đặc biệt, trong năm tới cần hết sức chú ý việc thu thuế khoán vì thực tế việc thu này vừa gây thất thu vừa dễ nảy sinh tiêu cực. “Khi làm Chủ tịch tỉnh tôi đã thấy vấn đề này. Hộ gia đình và cán bộ thuế cưa đôi là nguy hiểm lắm”, Thủ tướng nói.
Tình trạng quản lý chi tiêu vẫn chưa chặt, được Thủ tướng nhắc đến khi dẫn những con số liên quan đến việc chi hội nghị, tiếp khách, xăng xe, tiền điện thoại và đặc biệt là đi nước ngoài. Ông cho rằng, năm 2013 có tới 3.000-4.000 đoàn công tác với khoảng 20.000 người ra nước ngoài là quá lớn. Người ta thấy nước mình nghèo mà đi nước ngoài nhiều quá cũng ngán.
“Chính phủ đã chỉ đạo báo cáo nghiêm túc về việc đi nước ngoài. Nước nghèo thì phải đi nước ngoài để thúc đẩy hội nhập, đầu tư mở rộng thị trường, nhưng phải hết sức tiết kiệm chi. Đề nghị nắm lại toàn bộ dự toán 2014 chi đi nước ngoài là bao nhiêu. Tôi yêu cầu tiết kiệm chi. Quản lý đi nước ngoài phải chặt chẽ”, Thủ tướng nói.
Thu 20.000 tỷ đồng cổ tức “bỏ quên”
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, tính đến ngày 31/12, tổng thu ngân sách vượt dự toán khoảng 0,33%, tăng 16.000 tỷ đồng so với số liệu báo cáo Quốc hội sau 9 tháng đầu năm. Theo Thứ trưởng Nghiệp, riêng việc cắt giảm, giãn chi trong năm 2013 đã giúp ngân sách nhẹ gánh được khoảng 22.700 tỷ đồng. Trong đó, trung ương cắt giảm 13.700 tỷ đồng và địa phương khoảng 9.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay tất cả các địa phương về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Chỉ có 2 địa phương đề nghị ứng vốn cân đối tạm thời ngân sách từ nay đến cuối năm.
Các số liệu cũng cho thấy, sau nhiều năm “bỏ quên”, đến nay đã thu vào ngân sách 20.000 tỷ đồng cổ tức của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định. Riêng số tăng cân đối thu thêm chủ yếu là ngân sách trung ương, giúp đảm bảo thanh toán hết số nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội (ước chừng 14.800 tỷ đồng).
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, dự toán chi ngân sách năm 2014 trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó phải dành khoảng 54 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi như trả nợ (15.000 tỷ), chi tiền lương tăng thêm (20.000 tỷ). Trong bối cảnh cắt giảm chi, Bộ Tài chính yêu cầu từ nay đến năm 2016, cơ bản không tăng biên chế. Ngay cả các khoản chi hội nghị, hội thảo, công tác chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013.
Siết quy định lập doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, đứng báo cáo Thủ tướng tại hội nghị chân vẫn còn hơi run vì không ngờ vượt qua được chỉ tiêu dự toán năm 2013 đầy khó khăn. Còn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng kiến nghị, Chính phủ cần tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được hưởng cơ chế hỗ trợ của Chính phủ và thành phố. “Năm 2014, TPHCM sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với các đơn vị nhằm tháo gỡ những khó khăn. Cùng đó, thành phố sẽ tạo điều kiện kết nối về tài chính, quan hệ giữa các doanh nghiệp và ngân hàng đến tận quận, huyện”, bà Hồng cho biết.
Đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, vấn đề bức xúc nhất của địa phương cũng như ngành thuế trong năm là việc nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách để trục lợi, cũng như chây ì thực hiện nghĩa vụ thuế. Ông kiến nghị cần xem lại việc tăng phí cấp giấy phép kinh doanh và thành lập doanh nghiệp để hạn chế hình thành các doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn. Một vài chuyên án điều tra của địa phương cho thấy, có cả những ông xe ôm cũng đứng ra lập doanh nghiệp để bán hóa đơn khống.
“Đề nghị Bộ KH&ĐT xem lại quy định một gia đình được lập 2 - 3 doanh nghiệp khác nhau để trốn thuế, mua bán hóa đơn. Có trường hợp chồng làm chủ một doanh nghiệp bị thua lỗ, nợ thuế vài chục tỉ đồng; vợ lại đứng ra lập một doanh nghiệp khác để bán hóa đơn và chuyển tài sản cho công ty của con. Việc cho phép tự in hóa đơn quá đơn giản khiến tình trạng mua bán hóa đơn khống phát triển mạnh”, vị này cho biết.