Ngân sách “giật gấu vá vai”

Ngân sách “giật gấu vá vai”
TP - Ngày 2/11 thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng ngân sách đang phải chi tiêu theo kiểu “giật gấu vá vai”.

“Đẻ” nhiều ghế, ngân sách không chịu nổi

Theo ĐB Trần Du Lịch, có 5 nguyên nhân dẫn đến thâm hụt, khiến ngân sách rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”. Trong đó, chỉ có 2 nguyên nhân mang tính tích cực: việc đầu tư, vay nợ để đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; thực hiện chính sách xã hội, giảm việc phân hóa giàu - nghèo và các chương trình mục tiêu.

Có đến 3 nguyên nhân làm thâm thủng ngân sách rất tiêu cực, đó là đã duy trì quá lâu một thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin - cho, không rạch ròi giữa trung ương và địa phương; vung tay quá trán trong chi tiêu, nới rộng quá lớn bộ máy; kỷ luật chi tiêu không nghiêm. “Chúng ta đẻ ra quá nhiều ghế, từ tất cả các nơi, bộ máy phình ra không ngân sách nào chịu nổi” - Ông Lịch nói.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) cũng cho rằng tổ chức bộ máy quá cồng kềnh, kém hiệu quả, đang là gánh nặng ngân sách. Hiện nay không còn bộ nào chỉ có 4 thứ trưởng như Quyết định 36 của Chính phủ. Có bộ có đến 9 thứ trưởng, 4 bộ có 7 thứ trưởng, 9 bộ có 6 thứ trưởng, 7 bộ có 5 thứ trưởng.

“Tổ chức bộ máy đang quá cồng kềnh, kém hiệu quả, lãng phí cán bộ công chức, không kích thích người lao động thi đua, ngân sách chi trả lương ngày càng tăng. Đề nghị Chính phủ khẩn trương thực hiện khoán lương theo vị trí công việc vừa tiết kiệm chi cho bộ máy, vừa có điều kiện cải cách tiền lương” - ĐB Danh Út kiến nghị.

Phải siết kỷ cương

Theo ĐB Trần Du Lịch, kỷ cương, kỷ luật trong ngân sách chưa nghiêm, để thất thoát trong xây dựng cơ bản lớn. Ông Lịch dẫn chứng lĩnh vực giao thông vừa qua có 4 dự án Bộ trưởng Đinh La Thăng xem xét lại thấy có hiện tượng nâng quy mô dự án lên một cách vô lý, sau đó đã giảm được hơn 15.000 tỷ đồng. Có cây cầu cũ đang đi bình thường dài hơn 70m người ta cho làm cầu mới 450m, phải chăng ở đây có ý đồ nào đó trong vấn đề tăng dự án lên?

Theo ông Lịch, với chủ trương tái cơ cấu vừa rồi, những nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ là rất tích cực, kịp thời, nhưng “Nếu không siết lại kỷ cương, đất nước này phải đóng thuế, phải nai lưng trả nợ cho những điều vô lý” - Ông Lịch phát biểu.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm đưa ra cảnh báo trong khi hụt thu thì trái phiếu phát hành vẫn tăng lên. “Chính phủ đề nghị nới bội chi năm 2013-2014 lên 5,3%, theo đó phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu. Chúng ta phải chấp nhận việc này, nhưng cũng đồng nghĩa với lộ trình giảm bội chi sẽ khó khăn hơn, tăng nợ công cho con cháu sau này...” - Ông Kiêm nói.

Lo ngại nợ công

Các ĐB cho rằng việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng thêm nợ công, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách căng thẳng. “Trong thời gian rất ngắn tới đây, chúng ta sẽ chi ra một lượng tiền rất nhiều. Chi thế nào phải tính cho kỹ. Đồng tiền chi ra phải giải quyết được ngay những bức xúc của nhân dân, của đất nước” - ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) kiến nghị.

Ủng hộ đề nghị của Chính phủ tăng bội chi và phát hành trái phiếu, ĐB Trần Du Lịch lưu ý: “Tôi tính rằng tổng trái phiếu Chính phủ phát hành năm 2014 lên đến 400 ngàn tỷ. Đây là điểm tôi lo cho anh Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, anh vừa phải lo tăng tín dụng năm tới dự kiến 14%, tức là có hơn 400 ngàn tỷ, cộng 400 ngàn tỷ trái phiếu của Chính phủ nữa mà vẫn phải bảo đảm không gây lạm phát. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, anh Bình làm việc này là dũng cảm, mà làm được là hay” - Ông Lịch nói, và tính toán: Nếu cứ thế này, sau 2015 thì 1/3 nguồn thu ngân sách là để trả nợ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG