Ngân hàng và sân sau

TP - Theo ý kiến của các đại biểu, những vấn đề cần đặc biệt quan tâm như có hay không cho ngân hàng phá sản, việc góp vốn vào các TCTD vì sao phải cần tiền tươi thóc thật và điều kiện muốn trở thành “ông chủ” ngân hàng, cần phải có những điều kiện cần và đủ nào? Làm sao để ngân hàng không trở thành “sân sau” của các ông chủ, hay doanh nghiệp…?

Theo đúng lịch, hôm nay 26/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ đăng đàn tại Quốc hội để trình bày về  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD). Đây là dự thảo Luật  từng bàn thảo tại tại tổ và hội trường kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Tại lần này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thực tiễn hơn.

Tinh ý sẽ nhận thấy, không phải bỗng dưng dự thảo Luật các TCTD được Quốc hội ưu tiên đặt lên bàn nghị sự. Còn nhớ, tại kỳ họp trước, đây cũng chính là vấn đề được quan tâm sau xử lý nợ xấu. Câu chuyện về những đại án ngân hàng, sai phạm của các ông chủ nhà băng đã trở thành nỗi ám ảnh cả người trong lẫn ngoài ngành. Thậm chí, đã từng được nhắc tới tại diễn đàn Quốc hội.

Sửa luật lần này sẽ có gì mới? Đơn cử như trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, ý kiến các đại biểu đều cho rằng cần  xác định, điều chỉnh tiêu chí xếp hạng ngân hàng yếu kém để phù hợp hơn với tình hình kinh tế của từng năm hoặc từng chu kỳ. Thậm chí, cần  quy định về các biện pháp can thiệp sớm để xử lý các TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt. Cũng tương tự, về phương án chuyển giao bắt buộc, có nên chấm dứt hết quyền lợi của các cổ đông hay không... Tất cả đều được bàn thảo kỹ càng. 

Đặc biệt liên quan đến các yếu tố nhạy cảm như có hay không cho ngân hàng phá sản, việc góp vốn vào các TCTD vì sao phải cần tiền tươi thóc thật và điều kiện muốn trở thành “ông chủ” ngân hàng, cần phải có những điều kiện cần và đủ nào? Làm sao để ngân hàng không trở thành “sân sau” của các ông chủ, hay doanh nghiệp…? Theo ý kiến của các đại biểu, đây là những vấn đề cần được lưu tâm và siết chặt.

Trong bối cảnh Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã được Chính phủ phê duyệt ( Ngân hàng Nhà nước đã có Chương trình hành động), ngổn ngang vô số việc ngành ngân hàng cần phải xắn tay vào xử lý. Chia sẻ của lãnh đạo NHNN, quá trình tái cơ cấu hệ  thống ngân hàng từ nay đến 2020 đang vào hồi cao điểm,  sửa Luật nhằm lập lại trật tự kỷ cương ngành, cũng nhằm đưa đề án tái cơ cấu ngân hàng 2016-2020 đến đích toàn vẹn hơn.

MỚI - NÓNG