Làn sóng gia nhập
Tính đến nay, tổng cộng có 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán, gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPB (niêm yết trên HOSE); ACB, SHB, NCB (trên HNX) và VIB, Kienlongbank. LienVietPostBank trên UPCoM. Hiện có 2 mã cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) là SHB và NCB.
Còn vào ngày mai (5/1), theo thông báo của Hose, HDBank sẽ là ngân hàng lên niêm yết tại sở này vào đầu năm 2018 (mã CK:HDB). Tổng số cổ phiếu HDBank đưa lên niêm yết “khủng” tới 980 triệu cổ phiếu với mức giá công bố là 33.000 đồng/cổ phiếu.
HOSE cũng cho biết đã nhận được hồ sơ niêm yết cổ phiếu của TPBank (mã cổ phiếu: TPB) vào ngày 29/12/2017. Thời gian dự kiến niêm yết của TPBank là cuối quý 1/2018, sau khi ngân hàng hoàn tất đợt phát hành tăng vốn 15%.
Làn sóng ngân hàng gia nhập sàn chứng khoán tập trung khởi động ngay từ đầu năm khi hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chính thức đăng ký giao dịch tại sàn UpCom vào ngày 9/1/2017. Sau VIB, Kienlongbank, VPBank và LienVietPostBank là những ngân hàng đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn trong năm 2017.
Tính đến giờ này, các ngân hàng TMCP đã có mã chứng khoán nữa là Kienlongbank, Techcombank. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung, dự kiến là HOSE. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho việc gia nhập UpCom.
Việc các ngân hàng phải lên niêm yết (UpCom) là bắt buộc và đến từ việc phải thực hiện quy định của Bộ Tài chính và các văn bản khác của ngành chứng khoán. Tuy nhiên thay vì qua sàn giao dịch không chính thức này, nhiều ngân hàng đã quyết định “thẳng tiến” sàn chứng khoán chính thức. Sự gia nhập TTCK của các ngân hàng được dư luận đánh giá là bước đi nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông cũng như các nhà đầu tư”. Đây cũng là yêu cầu và sự thúc ép mạnh mẽ từ cơ quan chủ quản ngành là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cơ quan quản lý liên quan.
Cơ hội nào?
Tại buổi giới thiệu về cơ hội đầu tư cổ phiếu tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết: Trước khi niêm yết trên HOSE, HDBank chào bán thành công cho đối tác nước ngoài 21,5% vốn cổ phần sau khi phát hành thêm với giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn lại của cổ phiếu HDBank khi niêm yết còn khoảng hơn 8,5% - là điểm hấp dẫn. “Chúng tôi tự hào về HĐQT giàu kinh nghiệm và có tầm nhìn, minh chứng bằng hệ thống quản lý rủi ro tốt mà kết quả là tỉ lệ nợ xấu của HDBank thấp nhất toàn ngành trong nhiều năm liền”, bà Phương Thảo nói. Nói về mức giá lên sàn 33.000 đồng/cổ phiếu của HDB, liên danh tư vấn HSC và SSI cũng tự tin khẳng định đây là mức giá vẫn còn dư địa và cổ phiếu HDB chắc chắn sẽ còn tăng. Được biết, từ mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến 2.400 tỷ đồng cho năm 2017, HDBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận kép bình quân 37% cho những năm tiếp theo.
Còn giá cổ phiếu TPBank sẽ là bao nhiêu? Trả lời câu hỏi này cách đây ít ngày, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho rằng với kết quả kinh doanh 2017 tốt lợi nhuận trên 1.200 tỷ và quy mô tổng tài sản tăng nhanh, dự kiến mức giá TPBank theo ông Phú cũng nằm ở đầu 3xxx là hợp lý (tức trên 30.000 đồng/cp). Cũng thông tin từ TPBank, Quỹ đầu tư PYN Fund Management đã ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với TPBank, theo đó PYN Elite Fund sẽ sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD. Giới thạo tin nhận định, sau khi phát hành cổ phiếu thành công TPBank sẽ thu về hơn 100 triệu USD từ các NĐT trong nước và nước ngoài.
Năm 2017, TTCK chứng kiến làn sóng cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh mẽ, nhiều cổ phiếu có mức tăng giá tính bằng lần trên OTC và tăng từ 30 - 70% trên hai sàn chính thức. Những động lực thúc đẩy giá cổ phiếu lên ngoài thị trường chung lạc quan, bức tranh kinh tế vĩ mô tích cực còn đến từ nội tại các ngân hàng và hệ thống. Đó là những quy định về xử lý nợ xấu được thông qua, những nỗ lực tái cơ cấu được triển khai đồng bộ và quan trọng là sức khỏe các ngân hàng tăng lên cùng với triển vọng lạc quan hơn nữa trong các năm tới.
Theo ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), về những tiềm năng trong chứng khoán thì cổ phiếu của một số định chế ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn lên trong năm tới do đẩy nhanh được xử lý nợ xấu, các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hoá ngân hàng theo hệ thống Base ll.