Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
“Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu đạt tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hết quý II/2024 ở mức 5-6%; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả”, văn bản nêu rõ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm 1-2% lãi suất cho vay. |
Các ngân hàng cần tích cực rà soát các dự án để đảm bảo cung ứng tín dụng kịp thời cho các dự án khả thi; đẩy nhanh việc xét duyệt cho vay, áp dụng các biện pháp, hình thức tài sản đảm bảo cho vay linh hoạt, phù hợp quy định của pháp luật, thuận lợi cho khách hàng vay vốn;
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố, tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh tham gia các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương... đối thoại với khách hàng nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại liên tục triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất cho vay của một số gói tín dụng ưu đãi chỉ từ 2,5-3%/năm với khoản vay ngắn và 5-6%/năm cho vay trung - dài hạn, thấp hơn so với chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại.